8 di tích quốc gia mới được công nhận
Cập nhật: 05/07/2012
(TITC) - Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra các quyết định công nhận thêm 8 di tích là di tích quốc gia.

Danh sách 8 di tích vừa được công nhận, bao gồm: khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng (xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long); quần thể hang động tại núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình); đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp); địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên); đình Tân Phú Trung (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp); địa điểm chiến thắng Cấm Dơi (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam); Cầu Ngói và Phủ Bà (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); đình, chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng (Ảnh: Internet)

Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng nằm trong khuôn viên rộng hơn 3ha, bao gồm 3 công trình chính: nhà lễ tân; nhà tưởng niệm; nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng cùng 3 hạng mục ngoài trời được thiết kế theo tỷ lệ 1/1, mô phỏng phòng biệt giam ông tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), ngôi nhà làm việc của ông tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) và phòng làm việc tại số 72 Phan Đình Phùng (Hà Nội). Hàng năm, khu lưu niệm đón rất nhiều du khách đến tham quan.

Khu lưu niệm được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Một góc khung cảnh trong động ở núi đầu Rồng (Ảnh: Internet)

Quần thể hang động tại núi Đầu Rồng bao gồm khoảng 10 hang động Cát-tơ, trong đó động Không đáy và thạch động Hoa Sơn là hai hang động dài nhất với độ dài gần 300m. Trong các hang động là những khối nhũ đá, thạch nhũ mang nhiều hình thù kỳ thú.

Quần thể được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Được dựng vào năm Canh Tuất (1909), đình Định Yên thờ ông Phạm Văn An - người đầu tiên khai hoang lập ấp ở Định Yên. Đình có kiến trúc độc đáo với mái lợp ngói đại ống; các kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng, lân lộng lẫy. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều câu đối, liễn, bao lam sơn son thếp vàng, cẩn ốc xà cừ các hoa văn tinh xảo hình cá hoá rồng, hoa sen và các bức tranh sơn thủy ca ngợi đất nước và con người Việt Nam.

Đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập vào tháng 3/1949. Trường là nơi đào tạo các cán bộ nòng cốt cho Đảng và Nhà nước. Tại khoá học thứ 2 vào tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên của trường.

Địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đình Tân Phú Trung tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 3.000m², giữa vùng quê trù phú, cây trái xum xuê. Đình được dựng vào thế kỷ thứ 19, mái xây theo hình chữ “Đại”, lợp ngói ống, trên ngói có hình tượng lưỡng long tranh châu. Cột kèo của đình được làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo. Hiện đình còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng.

Đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tượng đài ở địa điểm chiến thắng Cấm Dơi (Ảnh: Internet)

Địa điểm chiến thắng Cấm Dơi nằm ở  thung lũng Quế Sơn. Nơi đây xưa kia có nhiều dơi sinh sống, bởi vậy người dân quanh vùng gọi là địa danh Cấm Dơi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cấm Dơi là căn cứ điểm do Mỹ - ngụy xây dựng, có vai trò như một “ổ khóa” ngăn chặn lực lượng tiến công chủ lực của ta từ phía tây.

Ngày 18/8/1972, Trung đoàn 38 và Sư đoàn 711  (Quân khu V) đã tấn công Cấm Dơi nhằm tạo hành lang thông suốt, mở rộng vùng giải phóng về phía đông và phía bắc. Đến 18h ngày 19/8, trận đánh tiêu diệt cứ điểm Cấm Dơi kết thúc, quân ta dành thắng lợi vẻ vang.

Địa điểm chiến thắng Cấm Dơi được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cầu ngói bắc qua sông Ngọc ở xã Bình Minh (Ảnh: Internet)

Cầu ngói ở huyện Nam Trực (Nam Định) được dựng từ thời Hậu Lê theo lối kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), nằm bắc qua sông Ngọc, cạnh chợ Thượng và gần đó có di tích Phủ Bà.

Nhà được dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp ngói nam, mở cửa cuốn và hai cửa giả ở hai bên. Nhà có 11 gian kết cấu theo kiểu “kèo cầu tứ hàng chân”, mỗi gian có chiều dài từ 1,45m đến 1,65m. Hai đầu hồi nhà đắp nổi 3 chữ Hán “Thượng gia kiều”.

Cầu gồm hai mố hình thang bằng đá tảng (chiều rộng khoảng 3,7m, dài 6,5m), dựng cách nhau 4,5m để tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại. Dầm cầu được làm bằng 6 cây gỗ lim, hai cây dọc có đường kính 0,4m và 4 cây ngang có đường kính 0,2m.

Cầu ngói và Phủ Bà được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình, chùa Ngô Xá, chùa Nề tại Ý Yên (Nam Định) là những công trình kiến trúc đặc sắc, mang phong cách đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nằm gần cụm kiến trúc này còn có phế tích tháp Chương Sơn. Theo Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tháp Chương Sơn còn có tên là Vạn Phong Thành Thiện, được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Kết quả khai quật khảo cổ tháp Chương Sơn đã phát lộ hơn 200 di vật với những đường nét chạm trổ tinh tế, phản ánh phong cách nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lý.

Đình, chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích tháp Chương Sơn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ cấp quốc gia.



 
                                                                                     Thanh Hải