Du lịch Bình Thuận đi tìm sản phẩm lưu niệm
Cập nhật: 09/07/2012
Trong năm 2012, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Cộng đồng nghiên cứu đề tài “Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phục vụ du lịch”.


Sức hấp dẫn  của du lịch biển  Bình Thuận là điều đã được khẳng định. Lượng  du khách đến Bình Thuận tăng bình quân 14%/năm. Đến năm 2011, ngành du lịch tỉnh đã đón được 2,8 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm trên 10%) và đạt doanh thu gần 3.350 tỷ đồng (tăng trên 33%). Năm 2012 này, toàn ngành đưa ra chỉ tiêu đón 3.140.000 lượt khách (khách quốc tế khoảng 340.000 lượt) và doanh thu từ  du lịch đạt 4.350 tỷ đồng.

Thế nhưng, Bình Thuận sản phẩm để làm quà tặng hoặc lưu niệm cho du khách lại chưa đa dạng. Một số mặt hàng hiện có chủ yếu là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đuợc sản xuất từ vỏ sò ốc, đá, thổ cẩm và mây, tre… Nhìn chung, khá đơn điệu về mẫu mã. Trong số này có đến 70 - 80% sản phẩm  mỹ nghệ lưu niệm sản xuất ở ngoài tỉnh,  chủ yếu là Tp. Hồ Chí Minh…

Riêng tại Bình Thuận, qua khảo sát thống kê cho thấy, đến nay có không tới 15 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ quy mô nhỏ lẻ. Người tham gia ngành nghề này thường làm bán thời gian, thu nhập thấp vừa thiếu ổn định, nên không  khuyến khích họ theo nghề. Trong khi đó, yêu cầu của nghề sản xuất  hàng thủ công mỹ nghệ  đòi hỏi sự đam mê, tay nghề khéo léo và tính mỹ thuật cao.

Sản phẩm lưu niệm của Bình Thuận không thể không đa dạng, đặc trưng, bởi  đó là  một  dạng quảng cáo cho một điểm đến, một địa phương và với du khách,  họ luôn muốn nhớ tới những nơi mà họ đã từng đặt chân đến thông qua đồ vật, hình ảnh sưu tầm được…

Mới đây, trung tuần tháng 6/2012, Sở Khoa học và Cộng nghệ tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận tổ chức hội thảo nhằm tìm ra hướng mới cho sản phẩm lưu niệm của tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, với thị trường tiềm năng và thị hiếu ngày nay của du khách, không nên “đóng khung” sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có thể tự gây khó cho mình. Bởi hàng lưu niệm làm bằng tay chưa thể đáp ứng số lượng lớn, hạn chế về độ tinh xảo và quan trọng là giá thành cao hơn rất nhiều so với sản phẩm công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Thêm nữa, sản phẩm lưu niệm du lịch khi định hình nhất thiết phải mang biểu tượng, hình ảnh đặc trưng của quê hương - con người Bình Thuận…

Để sớm có được sản phẩm lưu niệm đặc trưng của du lịch Bình Thuận, rất cần các đơn vị chức năng, sở, ngành chung tay góp sức... Hy vọng thời gian tới đây, du lịch địa phương sẽ tìm được sản phẩm lưu niệm đúng nghĩa,  làm phong phú thêm quà tặng du khách.

Báo Bình Thuận