Đội ngũ thuyết minh viên của Khánh Hòa góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho di sản
Cập nhật: 12/07/2012
Thuyết minh viên (TMV) tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa được coi là kênh thông tin chuyển tải đầy đủ và nhanh nhất những giá trị của di sản đến du khách.

Với sự am hiểu về di sản cùng với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, đội ngũ TMV luôn làm tăng sự hấp dẫn, sống động cho di sản và tạo được ấn tượng đối với du khách.

Vui và tự hào với nghề

Với 13 di tích, danh thắng cấp quốc gia và 142 di tích, danh thắng cấp tỉnh, Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng luôn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Tại những điểm du lịch ở Khánh Hòa, du khách không chỉ ấn tượng với những nét đẹp của danh lam thắng cảnh, ý nghĩa của di tích lịch sử văn hóa mà còn cảm thấy hài lòng khi được đội ngũ TMV hướng dẫn, giới thiệu về di sản một cách đầy đủ, nhiệt tình.
 

Chị Nguyễn Thị Hằng Phương - TMV tại di tích Tháp Bà Pô Nagar đang giới thiệu với du khách về kiến trúc của di tích này

Vừa hướng dẫn xong cho đoàn khách Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hằng Phương - TMV tại di tích Tháp Bà Pô Nagar lại tiếp tục dẫn đoàn khách Hải Phòng đi tham quan. Chị Phương chia sẻ: “Vào mùa cao điểm du lịch như hiện nay, mỗi ca làm việc, tôi thường hướng dẫn trên dưới chục đoàn khách với khoảng 300 - 400 khách. Khối lượng công việc nhiều, vị trí của di tích Tháp Bà Pô Nagar lại khá cao trong khi chúng tôi phải vừa đi vừa nói nên nhiều khi cảm thấy rất mệt. Tuy vậy, mỗi lần giới thiệu với khách về lịch sử văn hóa, kiến trúc, phong tục tập quán của người dân địa phương, tôi lại cảm thấy vui, tự hào về lịch sử của địa phương mình và càng gắn bó với nghề hơn”. Gần 4 năm làm TMV, chị Hằng Phương quan niệm nghề này cũng giống như làm dâu trăm họ, ngoài trình độ nghiệp vụ, sự am hiểu về di sản thì người thuyết minh luôn phải ứng xử khéo léo để du khách có được sự hứng thú khi lắng nghe và tìm hiểu về di sản. Ông Hoàng Ngọc Tùng - một khách du lịch người Hà Nội đang tham quan di tích Tháp Bà Pô Nagar cho biết: “Tôi nghe giới thiệu về Nha Trang - Khánh Hòa, về Tháp Bà Pô Nagar rất nhiều nhưng cũng chưa thật sự hiểu hết lịch sử, văn hóa của di tích này. Qua hướng dẫn của TMV, tôi mới biết được những nét nổi bật của di tích này về tổng quan văn hóa lịch sử, kiến trúc của các ngôi tháp, phong tục thờ Mẫu của người dân Khánh Hòa… Tôi thấy có hứng thú tìm hiểu sâu hơn và cảm thấy di tích này hấp dẫn, sống động hơn”.

Linh hoạt để đáp ứng nhu cầu

Hiện nay, đội ngũ TMV của Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh Khánh Hòa chỉ có 9 người, được phân chia hướng dẫn cho 2 điểm chính là Khu danh thắng Hòn Chồng và Khu di tích Tháp Bà Pô Nagar. Ngoài công việc chính là thuyết minh, họ còn kiêm thêm việc bán vé và một số việc phụ trợ khác. Vì vậy, vào những lúc cao điểm về du lịch như dịp lễ, Tết, mùa Hè, cường độ làm việc của TMV phải tăng gấp đôi so với bình thường. Vào những dịp này, trung bình mỗi TMV phải hướng dẫn từ 9 đến 12 đoàn khách mỗi ngày và thường phải tăng ca, thêm giờ để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Trong khoảng thời gian từ 30 - 45 phút/lượt hướng dẫn, TMV vừa phải linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu khác nhau của mỗi đoàn khách, đồng thời phải giới thiệu, quảng bá những giá trị nổi bật của di sản một cách đầy đủ, sâu sắc. Không chỉ hướng dẫn tại một điểm di sản cố định, mỗi TMV còn luôn phải trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn để có thể thuyết minh cho những điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác trong tỉnh như: lăng Bà Vú, đền Trần Quý Cáp, Am Chúa…

Nâng cao trình độ ngoại ngữ là cần thiết

Phần lớn đội ngũ TMV hiện nay đều có thể hướng dẫn du khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đặc biệt là số lượng khách Nga đến Nha Trang ngày một đông, vấn đề nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lực lượng TMV đang trở nên rất cần thiết. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Bình - Trưởng Ban quản lý di tích Tháp Bà Pô Nagar cho biết: “Hàng năm, mỗi TMV đều phải trải qua kỳ sát hạch về nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đồng thời được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ do sở, ngành tổ chức. Tuy nhiên, trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa của du khách trong và ngoài nước ngày càng cao, đặc biệt là số lượng khách Nga và khách Hàn Quốc ngày một đông, yêu cầu đối với người TMV không chỉ vững về nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn mà còn phải nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra cho riêng đội ngũ TMV mà còn là trách nhiệm của cả ngành Văn hóa, Du lịch của tỉnh.

Báo Khánh Hòa