Xây dựng Khu di tích Kim Liên thành điểm nhấn đặc biệt của thương hiệu du lịch Nghệ An
Cập nhật: 17/07/2012
(TITC) – Đây là một nội dung quan trọng đã được xác định trong Chương trình phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 đã được UBND tỉnh ban hành trong tháng 8 năm 2011.

Tiềm năng du lịch Nghệ An  

Nghệ An là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có điều kiện thuận lợi nằm trên tuyến giao thông Bắc Nam và là một trong những cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây mở ra Biển Đông. Nghệ An có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Về tự nhiên, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích hơn 1,3 triệu ha, là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Vùng biển Nghệ An có bờ biển dài trên 80km và các đảo ven bờ Hòn Ngư, Hòn Mắt với nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành...  

Nghệ An là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn lưu giữ được hàng ngàn di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 125 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. 

Bên cạnh đó, Nghệ An còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống... trong đó, Dân ca ví dặm xứ Nghệ đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã được đưa vào danh mục lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.   Nghệ An có sân bay, cảng biển thuận lợi cho giao lưu hợp tác kinh tế, du lịch. Hiện nay, Nghệ An đã mở các tuyến bay nội địa đến TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Buôn Ma Thuột với lượng khách ngày càng tăng.  

Du lịch tăng trưởng nhưng thiếu điểm nhấn đặc sắc  

Trong những năm qua hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh tăng trưởng khá nhanh. Tổng lượng khách du lịch đến Nghệ An giai đoạn 2006 – 2010 tăng bình quân 14,4%/năm. Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng lượng khách du lịch đạt 2,95 triệu lượt, tăng 5,8% so với năm 2010; tổng thu du lịch đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng đã được quan tâm đầu tư xây dựng và bảo tồn tôn tạo, trong đó có Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, đền thờ Vua Quang Trung, chùa Đảo Ngư... đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách và nhân dân cả nước.  

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Nhiều dự án đầu tư các khu du lịch đã và đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, trong đó một số khu nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí quy mô lớn đã đưa vào hoạt động như Bãi Lữ Resort, Sài Gòn – Kim Liên Resort, Công viên Trung tâm,...  

Hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ từng bước được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Du lịch sinh thái gắn với văn hóa và làng nghề, du lịch mạo hiểm đang có xu hướng phát triển. Mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành tại một số bản dân tộc huyện Con Cuông, Quỳ Châu.  

Tuy nhiên, đánh giá về quá trình phát triển du lịch vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng nhận định tốc độ phát triển du lịch tuy tăng cao nhưng có mặt thiếu vững chắc, hoạt động du lịch còn chịu tác động không nhỏ của thời tiết và tính mùa vụ. Sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu, thiếu sản phẩm đặc sắc, có tầm cỡ khu vực để thu hút khách quốc tế. Một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư nhưng chưa nhiều. Du lịch sinh thái miền Tây vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng và chưa được đầu tư khai thác. Mô hình du lịch cộng đồng tuy đã hình thành ở một số bản làng nhưng còn mang tính tự phát, hoạt động không ổn định nên hiệu quả thấp.  

Khai thác tiềm năng du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch biển  

Nghị quyết số 05-NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 – 2020 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đón được 3,5 – 4 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch tăng bình quân 20-22%/năm; năm 2020, đón 5,0 – 5,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch tăng bình quân 17-18%/năm; đưa tỷ trọng GDP du lịch chiếm 4,5-5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.  

Để đạt được mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nghệ An là tập trung phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử có sức hấp dẫn cao để thu hút khách, đặt trọng tâm xây dựng Khu di tích Kim Liên trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm nhấn đặc biệt của thương hiệu du lịch Nghệ An.  

Đồng thời tỉnh cũng sẽ mở rộng đầu tư khai thác các di tích vùng lân cận như đền thờ Vua Mai, khu di tích lịch sử Truông Bồn, khu tưởng niệm liệt sỹ Xô Viết – Nghệ Tĩnh, khu lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu…  

Phát triển bền vững sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ven biển trên cơ sở đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển vào năm 2015; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng trên địa bản tỉnh, nhất là các khu du lịch cao cấp đã được quy hoạch; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái làng quê, du lịch hội nghị, hội thảo nhằm kéo dài thời gian hoạt động trong năm của du lịch biển.  

Tại khu vực miền Tây Nghệ An, tỉnh sẽ xúc tiến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại một số bản dân tộc, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch sinh thái thác Xao Va, thác Kèm gắn liền với các tour du lịch đi bộ, leo núi trong Vườn quốc gia Pù Mát...  

Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng sẽ được tỉnh tập trung khai thác tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đặc biệt là dân ca ví dặm xứ Nghệ; phát huy tốt giá trị các lễ hội truyền thống trên địa bàn, từng bước đưa Lễ hội làng Sen, Lễ hội du lịch Cửa Lò, Lễ hội Vua Mai trở thành sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trong vùng, trong nước và phục vụ phát triển du lịch.    

Tại buổi làm việc với UBND, Sở VHTTDL và các ban ngành liên quan của tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 7 vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của du lịch Nghệ An và cho rằng tỉnh nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm không nên dàn trải, khắc phục tính mùa vụ và quan tâm đến sự bền vững trong quá trình phát triển. Nghệ An cần rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch, lựa chọn sản phẩm để đột phá, trong đó chú ý khai thác tiềm năng du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch biển. Cần tập trung đầu tư phát triển Khu di tích Kim Liên trở thành một điểm nhấn trong hệ thống sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa của địa phương. Tại khu vực biển Cửa Lò, tỉnh nên nghiên cứu đầu tư xây dựng và khai thác công viên chuyên đề; đưa Hòn Ngư trở thành điểm nhấn về dịch vụ giải trí; khai thác các loại hình thể thao trên biển... 

Bên cạnh đó, tại khu vực VQG Pù Mát có thể khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái  như đi bộ băng rừng, tìm hiểu đời sống văn hóa các tộc ít người sinh sống trên địa bàn...  

Về xúc tiến quảng bá, tỉnh cần định vị các thị trường mục tiêu, tiến hành các chiến dịch quảng bá theo chuyên đề; có thể làm đầu mối tổ chức một số hoạt động xúc tiến tại Lào, Đông Bắc Thái Lan.  

Về công tác quản lý nhà nước, Nghệ An cần tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, xử lý tình trạng chèo kéo khách tại các điểm du lịch...      

Hồng Thanh - Truyền Phương