Tiền Giang tăng cường quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh
Cập nhật: 31/07/2012
(TITC) - Tiền Giang hiện nay đang là điểm sáng du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cách TP. Hồ Chí Minh 70 km. Thiên nhiên và con người Tiền Giang mang đặc trưng của nền văn minh sông nước Nam Bộ, với vị trí thuận lợi nằm  bên biển Đông với 32km bờ biển và nằm trải dài theo dòng sông Tiền, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ toả khắp trong toàn tỉnh đã tạo nên những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch, tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian…

Năm 2011 lượng khách đến Tiền Giang đạt 978,9 ngàn lượt khách, tăng 39,1% so với năm 2010, trong đó khách quốc tế là 494,6 ngàn lượt, tăng 71,5% so với năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng khách đạt 519,7 ngàn lượt, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế là 271,7 ngàn lượt khách, đạt 50,7% kế hoạch và giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước; tổng thu du lịch đạt 1.475,4 tỷ đồng, tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước.
 

Xác định du lịch là một thế mạnh của tỉnh, trong những năm qua, hoạt động du lịch đã được chú ý đầu tư phát triển, ngày càng có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào hoạt động du lịch. Nhiều điểm du lịch đã được đầu tư đưa vào khai thác phục vụ khách như: Khu Du lịch sinh thái Cù lao Thới Sơn - TP. Mỹ Tho; Khu Du lịch sinh thái biển Tân Thành - Gò Công Đông; Khu Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười - Tân Phước; Khu Du lịch huyện Cái Bè,... Các chương trình tour được thiết kế đa dạng, các khu di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư, tôn tạo gắn với phát triển du lịch như: Đình Long Hưng, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút, lăng Hoàng Gia…

Để tiếp tục thu hút khách du lịch, tăng cường quản lý sử dụng tài nguyên du lịch hợp lý, đúng mục tiêu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vừa qua, ngày 13/7/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy chế về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Quy chế này áp dụng cho tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc mọi thành phần ở trong và ngoài nước hoạt động du lịch hoặc có hoạt động liên quan tới du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, Quy chế đưa ra những quy định cụ thể về quản lý và sử dụng đất ở khu du lịch, điểm du lịch; Quản lý xây dựng, sử dụng và khai thác các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu du lịch, điểm du lịch; Bảo vệ môi trường trong khu du lịch, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa; Tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực du lịch…

Quy chế nêu rõ việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình phát triển du lịch phải tuân theo quy hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan. Đề án phát triển ở từng khu du lịch, điểm du lịch được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý, tiến hành công tác đầu tư xây dựng, lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cho phép.

Trong vấn đề bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa, cá nhân và tổ chức sử dụng và khai thác môi trường nhằm mục đích kinh doanh phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, trong đó cần giải trình các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu; Bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình kinh doanh du lịch; Niêm yết nội quy bảo vệ môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch; Tổ chức phương tiện, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đúng quy định.

Bên cạnh đó, Quy chế quy định cấm bán hàng rong và không thực hiện các hành vi gây mất trật tự, tranh giành khách, môi giới trái phép và các tệ nạn xã hội trong khu vực quy định tuyến, khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa…


                                                                                                                              Hương Lê