Hội thảo khai thác giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất cổ phía bắc Hà Nội
Cập nhật: 10/08/2012
Khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử nhằm giới thiệu đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch giàu có của vùng đất cổ phía bắc Hà Nội (huyện Đông Anh) là nội dung chính của cuộc hội thảo được tổ chức ngày 8/8, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý du lịch cùng đại diện nhiều hãng lữ hành.

Định hướng phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 6 không gian du lịch và Đông Anh là một trong 6 không gian lớn. Đó là, không gian du lịch Vân Trì - Cổ Loa với sản phẩm du lịch chủ yếu như du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần và phát triển hai trung tâm du lịch: trung tâm du lịch Cổ Loa, trung tâm du lịch Vân Trì. UBND huyện Đông Anh cũng cho biết, sau khi quy hoạch du lịch Hà Nội được thông qua, huyện phối kết hợp với các ngành tiến hành quy hoạch các trung tâm du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn; chú trọng tuyến Cổ Loa - Đền Sái – Rối nước Đào Thục – làng nghề Vân Hà, Liên Hà – địa đạo Nam Hồng. Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, chính quyền huyện Đông Anh cần coi trọng phát triển du lịch, đầu tư một cách triệt để về hạ tầng du lịch, nhân lực, có những giải pháp cởi mở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư, khai thác…

Đông Anh là vùng đất có lịch sử 2.000 năm, với hệ thống di tích dày đặc 319 di tích, trong đó 116 di tích đã xếp hạng. Một số di tích lớn có giá trị như: Khu di tích lịch sử quốc gia Cổ Loa, đền Sái cùng các di tích cách mạng như địa đạo Nam Hồng, pháo đài Xuân Canh; nhà lưu niệm của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà văn Ngô Tất Tố dạy học. Đông Anh còn có các lễ hội độc đáo như: lễ hội Cổ Loa có lịch sử 2.000 năm, lễ hội đền Sái có lịch sử 2.000 năm, lễ hội kéo lửa thổi cơm thi Vân Nội có lịch sử 1.000 năm…. Rồi tới di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục, quan họ Dục Tú, làng nghề chạm khắc gỗ Liên Hà, sơn mài Vân Hà…

Tuy vậy, khả năng khai thác tiềm năng du lịch Đông Anh còn nhiều hạn chế, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa có sự đầu tư lớn. Ngoài khu du lịch Cổ Loa, đền Sái, rối nước Đào Thục nhận được sự quan tâm của du khách; các địa danh, di tích tiềm năng khác chưa được nhiều người biết tới; đặc biệt là các di tích cách mạng. Chất lượng dịch vụ phụ trợ nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch còn thấp, chưa quan tâm đến quảng bá du lịch…

ĐCSVN