Quảng Ninh phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường
Cập nhật: 14/08/2012
Những năm qua, quá trình mở rộng đô thị tại TP. Hạ Long, Cẩm Phả và các địa phương ven bờ vịnh Hạ Long, rồi hoạt động khai thác và kinh doanh than, các hoạt động kinh tế trên và ven bờ vịnh, nhà bè cư trú, nuôi trồng thủy sản trên vịnh, hoạt động kinh doanh du lịch… đã gây những sức ép không nhỏ đối với việc quản lý, bảo tồn di sản - kỳ quan vịnh Hạ Long, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Trước thực trạng như hiện nay, để khai thác, phát triển du lịch vịnh Hạ Long một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường di sản, chỉ có thể phát triển du lịch vịnh Hạ Long theo hướng “xanh”…

Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Mô hình này cũng đã và đang được triển khai ở nước ta. Tại Hội An, ngành Du lịch đã xây dựng dịch vụ cho du khách khám phá phố cổ và làm đèn lồng, xây dựng tour “một ngày làm ngư dân” ở làng rau Trà Quế. Tại Huế, ngành du lịch chủ động xây dựng một số “điểm đến xanh” như làng cổ Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên. Khách đến làng Phước Tích phải gửi xe ở bên ngoài và đi bộ, tham quan tìm hiểu về làng. Khách muốn đến phá Tam Giang bắt buộc phải đi xe đạp, trồng một cây xanh. Tại Hà Nội cũng đã áp dụng mô hình du lịch xanh, như đưa du khách khám phá phố cổ, dạo quanh hồ Tây bằng xe điện, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp... Ngành du lịch Thủ đô cũng sắp đưa ra một số sản phẩm “du lịch xanh” mới như homestay, du lịch sinh thái (Sóc Sơn), du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân (huyện Ba Vì)…

Tại Hạ Long, du lịch xanh đã xuất hiện khoảng hai năm trở lại đây. Tiên phong trong việc khai thác loại hình du lịch này là Công ty CP Du thuyền Đông Dương. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa khách khám phá các làng chài bằng thuyền nan, tổ chức cho khách câu cá, kéo lưới và mới đây doanh nghiệp này còn đưa ra các tour “một ngày làm nông dân”, đưa du khách về xã Yên Đức (Đông Triều) “ba cùng” với nông dân - cùng ăn, cùng ở và cùng làm các công việc hàng ngày như: gặt lúa, làm vườn…, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Những chuyến đi dân dã như thế luôn tạo ra sự trải nghiệm thú vị cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa Việt Nam.

Trong số các dịch vụ du lịch xanh, tour “một ngày làm ngư dân” đang ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị kinh doanh du lịch. Theo giới thiệu, du khách đến Hạ Long sẽ được đưa đến khu vực Tùng Da. Tại đây, khách được dân chài đưa xuống tàu đánh cá, hướng dẫn cách thả lưới, kéo lưới. Bữa trưa, khách sẽ được thưởng thức món cá do chính mình đánh bắt được. Haratours (Công ty CP Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội) còn “hứa” tham gia tour này, du khách sẽ được tặng cá giống để thả xuống vịnh Hạ Long - một hoạt động ý nghĩa góp phần tạo hệ sinh thái thủy hải sản cho ngư trường.

Xét về tiềm năng, Hạ Long rất sẵn để phát triển du lịch xanh. Ngoài những thuận lợi về cảnh quan và sinh hoạt văn hóa của ngư dân sống trên vịnh, ven bờ vịnh và tại các địa phương ven bờ như Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên, Vân Đồn… có rất nhiều di tích, thắng cảnh mang tầm quốc gia, có phong cảnh đẹp. Ở Hà Nam (Quảng Yên) không chỉ có rất nhiều di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, còn có làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, làng quê Hà Nam vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Cẩm Phả có nhiều mỏ than, làng công nhân. Thời Pháp chiếm đóng vùng mỏ, du lịch khám phá cảnh khai thác than đã được người Pháp giới thiệu thành tour…

Việc khai thác, phát triển du lịch xanh về các vùng phụ cận Hạ Long, không chỉ “giảm tải” cho di sản vịnh Hạ Long mà còn giới thiệu, khai thác được nguồn tài nguyên du lịch dồi dào ở các địa phương. Để nhân rộng mô hình du lịch xanh, có ý kiến cho rằng cần có sự bắt tay của ba nhà: cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, từ những mô hình đã có, có thể tham khảo các mô hình đã triển khai tại các tỉnh, thành phố để áp dụng tại Hạ Long.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011 xác định rõ: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”. Như vậy, việc phát triển sản phẩm du lịch biển xanh đã được đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch biển Việt Nam, trong đó có Hạ Long.

Báo Quảng Ninh