Côn Đảo – “Đô thị di sản - du lịch” trên biển đảo
Cập nhật: 23/08/2012
Côn Đảo có đầy đủ tiềm năng để phát triển bền vững du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch sinh thái biển đảo. Kết hợp “nhuần nhuyễn” hai loại hình du lịch nói trên, Côn Đảo sẽ trở thành một đô thị du lịch hiện đại với những đặc trưng bản sắc mà không phải nơi nào (kể cả trên thế giới) có được.

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại hội thảo “Côn Đảo – 150 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển” do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.  

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Côn Đảo là hòn đảo du lịch có rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới (năm 2011). Hiện nay Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam, được đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển); trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 46.500 lượt du khách đến Côn Đảo tham quan và nghỉ dưỡng, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 20%.  

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM nhấn mạnh, tiềm năng của Côn Đảo là rất lớn, trong đó kinh tế du lịch là thế mạnh lớn nhất với hai loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử dựa vào cảnh quan hùng vĩ cũng như những giá trị di sản văn hóa vô giá ở đây. Phân tích ở góc độ “tài nguyên vị thế”, tiến sĩ Lê Thị Kim Thoa, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng, là một quần đảo tiền tiêu ở vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, tiềm năng “tài nguyên vị thế” của Côn Đảo cho phép phát triển được loại hình du lịch sinh thái biển đảo cao cấp, dịch vụ nghề cá và đánh bắt hải sản, dịch vụ hậu cần dầu khí và hàng hải quốc tế…  

Tiếp cận từ lịch sử và văn hóa để nhận diện tổng quát các giá trị di sản quý giá của Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, PGS.TS Trần Thị Thu Lương (Đại học KHXH&NV TP.HCM) khẳng định, định hướng xây dựng Côn Đảo thành một “đô thị di sản – du lịch” là mô hình thích hợp để phát triển Côn Đảo bền vững, bởi Côn Đảo được thừa hưởng cả di sản văn hóa (cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) và di sản thiên nhiên giàu tiềm năng. Về di sản thiên nhiên, Côn Đảo là một trong hai vườn quốc gia ở Việt Nam vừa có rừng vừa có biển còn hoang sơ, chưa bị can thiệp nhiều. Sự hòa quyện có một không hai này đã tạo nên một diện mạo di sản Côn Đảo có tính chất rất riêng. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo tồn và khai thác tiềm năng di sản để phát triển bền vững đô thị di sản du lịch Côn Đảo.  

Theo PGS.TS Trần Thị Thu Lương, di sản văn hóa ở Côn Đảo là loại di sản văn hóa đặc thù: một hệ thống nhà tù của nhiều đời thực dân với lịch sử 113 năm “địa ngục trần gian”, nơi được xem là “bàn thờ của Tổ quốc”… Đặc biệt hơn, Côn Đảo còn là một đô thị di sản trên đảo biển; cho đến nay, mô hình đô thị di sản này chưa từng có ở Việt Nam. Huế, Hội An, Hà Nội, Đà Lạt đều là những đô thị di sản ở đất liền; vì thế, không thể áp dụng nguyên si mô hình đô thị di sản ở đất liền vào mô hình đô thị di sản Côn Đảo trong phát triển du lịch.  

Theo Quyết định 1518 năm 2011 của Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030; Côn Đảo là khu kinh tế du lịch hiện đại trong khu vực và quốc tế, là khu vực bảo tồn di tích lịch sử có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử. Xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng-biển…  

Theo các đại biểu, để thực hiện được mục tiêu trên, Côn Đảo cần phải giải bài toán liên quan đến nhiều vấn đề như bảo tồn và phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực…

Theo PGS. TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM), bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, cần chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng là xương sống của kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách đặc thù và đầu tư của Trung ương làm cơ sở để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu huy động các tiềm năng khác. PGS.TS Trần Thị Thu Lương đề xuất giải pháp bảo tồn di sản lịch sử văn hóa bằng cách xây dựng một hệ thống bảo tàng đủ tầm và đào tạo nguồn nhân lực cho Côn Đảo, để đảm nhận vai trò gìn giữ, quảng bá và giáo dục lịch sử văn hóa.    

Tại hội thảo, nhiều đại biểu là cựu tù chính trị Côn Đảo nhấn mạnh, nhà tù Côn Đảo đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt nên cần được bảo tồn và phát huy để giáo dục cho các thế hệ mai sau hiểu được cái giá của độc lập tự do. Sinh thời, khi đến thăm nhà tù Côn Đảo (8.1976), cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng phát biểu: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, là một di tích lịch sử vĩ đại, là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau”. Khẳng định trên tiếp thêm cho chúng ta niềm tự hào về một “nền di sản” vô giá ở Côn Đảo.

Báo Văn hóa