Đặc sắc ngày hội văn hóa Chăm tại Ninh Thuận
Cập nhật: 23/08/2012
(TITC) - Từ ngày 14 – 16/10/2012, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND và Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm với chủ đề “Văn hóa Chăm - bảo tồn, phát huy và hội nhập” tại bốn địa điểm chính của tỉnh Ninh Thuận là: khu du lịch tháp Pôklong Garai và sân vận động thôn Hữu Đức (huyện Ninh Phước), làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước).
                            Tháp Chăm Pôklong Garai - Ninh Thuận

Ngày hội thu hút sự tham gia của các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...) và các địa phương có di sản văn hóa Chăm tiêu biểu (Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...).    

Lễ khai mạc của ngày hội diễn ra vào đúng đêm giao thừa theo lịch Chăm (14/10) sẽ giới thiệu đến du khách bức tranh toàn cảnh về văn hóa dân tộc Chăm cũng như các dân tộc anh em trong cả nước.  

Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn cũng sẽ được tổ chức như: triển lãm ảnh về cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng đồng bào dân tộc Chăm; hội chợ - triển lãm “Kinh tế, văn hóa Chăm trên đường hội nhập”; giới thiệu sách về văn hóa Chăm; biểu diễn nghệ thuật; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; thi đấu thể thao (bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, thi đội bình nước Chăm về đích…); thi dệt thổ cẩm…, đặc biệt là hội thảo về bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm (16/10) với sự tham gia của các nhà khoa học nghiên cứu văn hoá Chăm, các nhà quản lý nhằm đánh giá thực trạng nền văn hóa Chăm, đồng thời khai thác giá trị văn hóa Chăm trong phát triển du lịch.  

Để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Ninh Thuận, trong những ngày diễn ra ngày hội, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ hợp tác với các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng tiếp đón các đoàn khách tham quan; xây dựng một số tour du lịch đến các điểm du lịch tiêu biểu như: tháp Pôklong Garai, làng gốm Bàu Trúc, một số cơ sở làm rượu vang nho nổi tiếng…    

Đồng bào dân tộc Chăm sống tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và rải rác ở các tỉnh từ Nam Trung bộ đến Ðông và Tây Nam bộ. Văn hóa Chăm mang nhiều yếu tố đặc sắc thể hiện rõ ở nghệ thuật diễn xướng dân gian với hơn 100 lễ hội được tổ chức quanh năm. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm đóng vai trò hết sức quan trọng.  

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm năm 2012 là cơ hội để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm; đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo trong cả nước giao lưu gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Chăm.

Phạm Phương