Cồng chiêng - nét độc đáo của văn hóa Tây Nguyên
Cập nhật: 19/11/2007
Cồng chiêng đã có một vị trí rất đặc biệt và ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt trong chính mỗi người dân và trong nền văn hóa Tây Nguyên, làm nên nét độc đáo cho vùng đất vốn có nhiều nắng gió gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí này.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa cồng chiêng được phát triển từ nền văn hóa Đông Sơn mà đại diện là trống đồng, ra đời cách đây 3.000 năm, là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Cùng chung một loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha thêm vàng, hoặc đồng đen, nhưng mỗi dân tộc ở Tây Nguyên lại sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc riêng trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, mừng nhà mới, mừng trẻ em mới sinh... Nếu như bộ chiêng của người Ê Đê có 10 chiếc với âm thanh dồn dập, mạnh mẽ thì bộ chiêng của người Bih lại chỉ có 6 chiếc và âm thanh chậm, bài bản, hay người J’Rai đặc biệt hơn với bộ chiêng lên tới 21 chiếc và âm thanh cũng náo nức, rộn rã còn tiếng chiêng của người Mạ, M’Nông lại như mang tâm sự buồn đến thổn thức.

Không chỉ đa dạng, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên còn rất tinh xảo, được biểu diễn ở một trình độ cao. Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - người từng nhiều năm nghiên cứu về cồng chiêng, ví mỗi người dân Tây Nguyên như một nghệ sĩ: Biết chia âm thanh thành từng centimet, nhớ trong đầu từng tiết tấu và phối hợp rất hài hòa.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, mặc dù nhiều nước khác ở Đông Nam Á cũng có cồng chiêng nhưng nét khác biệt của cồng chiêng ở Tây Nguyên là chúng không chỉ được lưu giữ trong cộng đồng mà còn được lưu giữ trong từng gia đình, thậm chí mỗi cá nhân cũng lưu giữ cồng chiêng. Những người dân bình thường cũng có thể tự mua cồng chiêng về cất giữ và mang ra biểu diễn vào những dịp đặc biệt trong đời mình.

Theo ông Trương Bi - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắc Lắc, một người từng có nhiều năm tâm huyết với việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng cho biết: Chính tình cảm và ý thức của những người dân bình thường này là điều cốt yếu, là cái gốc để gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo này hơn bất kỳ một biện pháp nào khác.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và các địa phương Tây Nguyên đã triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực để khẳng định vị trí của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của mỗi người dân và của cả quốc gia. Đây cũng là những nỗ lực để tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể và kiệt tác văn hóa truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận từ năm 2006.

Triển khai đề án phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn 2005 - 2010, ngành văn hóa phối hợp với chính quyền các địa phương đã tiến hành nhiều đợt khảo sát để thu thập cồng chiêng, tổ chức các lễ hội cồng chiêng hàng năm, tái tạo và gìn giữ những không gian văn hóa đặc trưng.

Đầu tháng 8/2007, Đắk Nông đã là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên được UNESCO tài trợ để thực hiện dự án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng.

Trong những nỗ lực gìn giữ và phát triển di sản văn hóa độc đáo này, một liên hoan cồng chiêng, được xem là hoành tráng nhất từ trước tới nay sẽ được tổ chức tại khu vực Tây Nguyên, từ ngày 21 đến 24/11, với chủ đề “Cuộc trò chuyện vĩnh cửu từ đại ngàn”.

Trong liên hoan này, màn hòa tấu của 30 dàn cồng chiêng và giàn nhạc giao hưởng sẽ cho thấy sự giao hòa của âm nhạc sơ khai và âm nhạc hàn lâm. Một không gian nguyên sơ cũng sẽ được phục dựng tại Trung tâm du lịch sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk) với nhiều chương trình nghệ thuật dân gian, lễ hội voi. Nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc Ê đê, J’rai, Ba Na, Xê đăng, Ca Tu cũng được qui tụ trong một triển lãm điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác cùng với hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa cồng chiêng cũng sẽ được tổ chức nhân dịp này.

Theo bà Mai Hoa Nie Kdam - Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Liên hoan quy mô toàn quốc đầu tiên này sẽ đặc biệt chú trọng đến vai trò của người dân, tạo dựng chương trình để khi người dân đến với lễ hội sẽ cảm nhận được tư cách chủ thể của mình, tạo cho họ cảm hứng sáng tạo và niềm say mê văn hóa Tây Nguyên. Điều này cũng nhằm tạo hiệu quả quảng bá nối dài hậu festival cho văn hóa cồng chiêng.
TTXVN