Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên”
Cập nhật: 29/08/2012
(TITC) - Sáng ngày 29/8, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ 2 năm 2012.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Tây Nguyên đồng thời đưa ra các giải pháp và mô hình hoạt động hữu hiệu nhất để vừa bảo tồn vừa phát huy và khai thác có hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên.

Tham dự tọa đàm có Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Phạm Văn Thủy; đại diện lãnh đạo UBND và Sở VHTTDL 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng); đại diện Tổng cục du lịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ, nghệ nhân Tây Nguyên cùng các phóng viên thông tấn báo chí, phát thanh và truyền hình.


Tại tọa đàm, đại diện Sở VHTTDL 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã trình bày các tham luận về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa phương như “Những đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Đắk Lắk – một số giải pháp bảo tồn phát huy”, “Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Đắk Lắk”, “Bảo tồn và phát triển vốn văn hóa các dân tộc ở Gia Lai”, “Lâm Đồng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa Nam Tây Nguyên”, “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, “Công tác tổ chức, quản lý lễ hội và việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số ở Kon Tum”, ”Một số kinh nghiệm trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn hiện nay”.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng không chỉ là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà còn là vùng đất mang sắc thái văn hóa đặc sắc của đất nước. Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thì nhiều dự án và công trình nghiên cứu nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên cũng đã được triển khai. Bên cạnh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước phục hồi những lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số đồng thời tiến hành bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến những tư liệu khảo cứu và các hiện vật đặc thù của văn hóa Tây Nguyên.

Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” không chỉ là diễn đàn nhằm trao đổi, đưa ra các biện pháp thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên mà còn là dịp tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Thúy Hằng