Bảo tồn di sản là góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc
Cập nhật: 11/09/2012
Mục đích của việc bảo tồn di sản là góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, nội dung này được Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh tại Hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 200 giám đốc, trưởng ban quản lý di tích trong toàn quốc diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9 tại tỉnh Ninh Bình.

Đến hết tháng 8/2012, cả nước có 40.000 di tích văn hóa được kiểm kê, 23 di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia cấp đặc biệt, trên 6.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hiện tại, Việt Nam có 13 di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới gồm 3 di sản thiên nhiên thế giới và 10 di sản văn hóa thế giới. Có 30 cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Để Luật Di sản văn hóa thực sự đi vào cuộc sống, ông Hùng đề nghị toàn thể học viên khi trở về địa phương cần phổ biến, hướng dẫn luật đến với đồng đảo quần chúng nhân dân, nhất là đối với cộng đồng dân cư đang sinh sống tại các vùng di sản; từng bước triển khai cắm mốc giới khu vực quản lý di tích trên thực địa; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố nên có những hoạt động hợp tác quốc tế kết hợp với đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ, góp phần quảng bá hình ảnh các di sản văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tiến sĩ Diana Walters, chuyên gia về bảo tàng học và di sản đến từ Vương quốc Anh đánh giá cao việc Việt Nam đã có những chính sách cụ thể, chế độ ưu đãi giúp cho những hiện vật trưng bày tại 120 bảo tàng công lập, 14 bảo tàng tư nhân được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong bài giảng của mình, Tiến sĩ Diana Walters đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất của bảo tàng, là một cơ quan phi lợi nhuận, thường xuyên tổ chức các hoạt động phục vụ sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, đối thoại và trưng bày những di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại và môi trường văn hóa của nó với mục đích giáo dục, học tập và hưởng thụ. Định nghĩa mới nhất về bảo tàng trong tất cả những văn bản của UNESCO, ICO (tổ chức quốc tế về bảo tàng) thì đều cho rằng một trong những chức năng quan trọng nhất của nó là giáo dục. Cần chú trọng đến đối tượng khách thăm quan bảo tàng là thế hệ trẻ. Các em đến vì muốn trải nghiệm văn hóa truyền thống, muốn được chơi, thông qua chơi là học lịch sử và văn hóa. Cho nên cần phải thiết kế những cách làm sáng tạo để khuyến khích tính chủ động tìm tòi khám phá, nâng cao sự hiểu biết của họ về những di tích lịch sử, địa điểm văn hóa không ở đâu xa mà ở ngay xung quanh mình.

Nhân dịp này, các học viên cũng được nghe Giáo sư Im Jang Hyuk (Khoa Nghiên cứu văn hóa Châu Á, Đại học Chung-Ang) trình bày những kinh nghiệm thực tiễn và hệ thống kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Hàn Quốc; ông Ki Jong Park (Trưởng ban quản lý thông tin, Trung tâm mạng lưới thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO) phát biểu tham luận về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể; dành thời gian đi thăm quan, khảo sát thực tế tại đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và Khu di tích lịch sử - danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình).

ĐCSVN