Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013
Cập nhật: 13/09/2012
(TITC) - Từ ngày 9 – 12/3/2013, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) sẽ diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”.
                             (Ảnh: internet)

Sự kiện do UBND tỉnh Đắk Lắk; Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm khẳng định vị trí của cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung trong ngành cà phê thế giới; góp phần phát triển kinh tế chung của các tỉnh Tây Nguyên; đồng thời tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ và hợp tác giữa người trực tiếp sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng cà phê trong cả nước.  

Dự kiến, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ khai mạc vào 20h ngày 9/3 và bế mạc vào 20h ngày 12/3 tại Quảng trường 10/3. Điểm nhấn của lễ hội là hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 9/3 đến hết ngày 13/3) tại Khu Bảo tàng Biệt điện tỉnh. Hội chợ trưng bày, giới thiệu quá trình hình thành, phát triển ngành cà phê, quy trình sản xuất, chế biến cà phê, các thương hiệu cà phê nổi tiếng; đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho người nông dân về phương pháp trồng cà phê sạch và tái canh. Dự kiến sẽ có trên 150 doanh nghiệp tham gia hội chợ với trên 500 gian hàng giới thiệu các loại cà phê nhân, cà phê chế biến; các sản phẩm được chế biến từ hương liệu cà phê; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây cà phê; các dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến cà phê; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê; các công trình nghiên cứu khoa học về cây cà phê; các loại giống cây cà phê; các mô hình chăm sóc cây cà phê; biểu đồ phát triển cà phê và nguồn gốc xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột; hình ảnh, sản phẩm từ cây cà phê; các sản phẩm có liên quan đến cà phê; các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh Đắk Lắk; các sản phẩm có thương hiệu của Việt Nam; các món ẩm thực đặc sản của Tây Nguyên...  

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc khác cũng sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: lễ hội đường phố với rất nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị (múa lân mang biểu tượng cà phê, diễu hành voi, biểu diễn cồng chiêng, hóa trang, các vũ điệu văn hóa…); hội thi pha chế cà phê; tổ chức các khu phố cà phê, uống cà phê miễn phí; hội nghị, hội thảo về cà phê; hành trình du lịch cà phê (tổ chức các tour du lịch ngắn khám phá và trải nghiệm cùng cây cà phê); hội thi nhà nông đua tài; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật…  

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, Ban Tổ chức còn trao tặng các danh hiệu “Sản phẩm chất lượng cao”, “Pha chế cà phê”, “Nhà nông tiêu biểu”, “Gian hàng đẹp, ấn tượng” và khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có đóng góp cho thành công của lễ hội.  

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Năm 2011, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 (10 – 15/3/2011) đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham dự. Đặc biệt, hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê đã thu hút 185 đơn vị tham gia với quy mô 650 gian hàng, trong đó có 17 doanh nghiệp nước ngoài với 50 gian hàng. Lễ hội đã góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung; mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc trồng, chế biến cà phê; tôn vinh các doanh nghiệp phát triển cà phê bền vững; phấn đấu xây dựng và từng bước định hình thương hiệu cà phê…

Tiếp nối thành công của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013 là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, hòa nhập vào sân chơi chung của ngành cà phê thế giới; xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch; đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Phạm Phương