Hưng Yên đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
Cập nhật: 17/09/2012
Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hưng Yên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội (KT–XH) nói chung và ngành du lịch nói riêng.

 

Chùa Hiến - một trong những di tích văn hóa đặc sắc ở Hưng Yên

Vào thế kỷ 16, 17, Phố Hiến là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng lớn nhất Đàng Ngoài. Qua quá trình hình thành và phát triển, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã hình thành nhiều cụm di tích lịch sử, văn hoá gắn với những lễ hội truyền thống đặc sắc. Bề dày lịch sử, văn hoá đã tạo cho Hưng Yên tiềm năng to lớn để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.210 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 159 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 103 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị; có trên 400 lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn, đặc trưng của văn hoá Việt. Cùng với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, Hưng Yên còn có lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp với một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước là thủ đô Hà Nội; có nhiều đặc sản nổi tiếng và làng nghề truyền thống. Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều khu di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội truyền thống được đầu tư, khôi phục và phát triển. Cụm di tích Phố Hiến được Chính phủ phê duyệt tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ gắn với phát triển du lịch. Dự án  quy hoạch, tôn tạo và mở rộng khu di tích cấp quốc gia đình Đại Đồng và chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) gắn với phát triển du lịch đang được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai. Các công trình như: Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu); Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng (tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ)… cũng được tỉnh đầu tư xây dựng đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách gần, xa.

Hệ thống cơ sở vật chất kinh doanh du lịch cũng được tỉnh và các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 153 cơ sở lưu trú du lịch với gần 2.000 phòng nghỉ; trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 132 cơ sở đạt tiêu chuẩn tối thiểu; có 48 dự án đầu tư dịch vụ du lịch với tổng số vốn gần 5.800 tỷ đồng. Được sự đầu tư từ nguồn vốn của Chính phủ, một số cơ sở hạ tầng du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện thu hút khách đến tham quan du lịch như: Khu di tích cổ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), khu di tích đền Đa Hoà (Khoái Châu) gắn với tour du lịch trên sông Hồng, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông (Yên Mỹ), khu di tích đền Phù Ủng (Ân Thi), khu di tích đền Tống Trân – Cúc Hoa (Phù Cừ), bến cảng đón khách du lịch Phố Hiến trên sông Hồng (thành phố Hưng Yên)…
 

Nhãn lồng Hưng Yên - đặc sản ngon nổi tiếng khắp trong và ngoài nước

Về phát triển du lịch sinh thái, nhiều tập thể, cá nhân đã đầu tư vốn xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu giải trí gắn với những vườn nhãn, vườn cam đường canh trĩu quả, những đầm sen thơm mát, những hồ nước thơ mộng, những vườn cây cảnh với nhiều loại cây độc đáo… Và mới đây, huyện Văn Giang phối hợp với Sở Xây dựng và Công ty TNHH Xuân Cầu công bố quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị nhà vườn sinh thái. Dự án khu đô thị nhà vườn sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng nằm tại vùng bãi ngoài đê sông Hồng, được lập quy hoạch chung xây dựng trên 980ha vùng bãi huyện Văn Giang. Đây là dự án có ý nghĩa đánh thức tiềm năng vùng bãi trở thành khu nông nghiệp kỹ thuật cao với nhiều loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả gắn với phát triển khu đô thị nhà vườn sinh thái, nghỉ dưỡng đẹp, hiện đại.

Công tác quảng bá, xúc tiến để khai thác tiềm năng du lịch cũng được coi trọng. Ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các doanh nghiệp du lịch tham gia nhiều cuộc hội thảo, hội chợ, hội thi và nhiều sự kiện du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Hưng Yên với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Từ khi thành lập (năm 2010) đến nay, trung tâm đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh tại các hội chợ. Trung tâm đã phát hành sách du lịch Hưng Yên song ngữ, in tập gấp du lịch Hưng Yên và xuất bản bản tin du lịch Hưng Yên. Về công tác xúc tiến du lịch, trung tâm phối hợp với các công ty lữ hành của nhiều tỉnh, thành phố xây dựng một số tuyến du lịch mẫu như: Hưng Yên – Hà Nội, Hưng Yên – Thái Nguyên – Tuyên Quang, Hưng Yên – Huế - Đà Nẵng, Hưng Yên – Ninh Bình - Thanh Hoá, Hưng Yên – Hải Phòng - Quảng Ninh… Hàng năm, ngành du lịch của tỉnh còn phối hợp với Tổng cục Du lịch mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho hàng trăm hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành du lịch tỉnh.

Với những hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển. Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển về du lịch của Hưng Yên đạt trên 15%/năm, khách du lịch đến tỉnh năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2011, ngành du lịch của tỉnh đón 185.832 lượt khách, tăng 17% so với năm 2010; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2010.

Những kết quả đạt được của ngành du lịch đã có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng và qua hoạt động thực tiễn thì ngành du lịch của tỉnh vẫn chưa được quan tâm đầu tư, phát triển tương xứng với vị trí và tiềm năng hiện có. Số lượng khách du lịch đến Hưng Yên, nhất là khách du lịch quốc tế còn ít; sản phẩm du lịch chưa phong phú; tính chuyên nghiệp trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện phát triển du lịch chưa cao; việc tuyên truyền, quảng bá và công tác xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh; vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn ít; nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng về du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, do đó không lưu giữ được khách; tỷ trọng của dịch vụ du lịch trong GDP của tỉnh còn thấp, mới đạt 1,5%.

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hoá tâm linh và du lịch sinh thái, tỉnh cần sớm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và coi trọng công tác quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư và tham gia phát triển du lịch; tập trung đầu tư các khu di tích đang thu hút khách du lịch như: Quần thể di tích Phố Hiến, khu di tích đình Đại Đồng và chùa Nôm, khu di tích Đa Hoà - Dạ Trạch; tăng cường mở các hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá với phát triển du lịch nằm trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch tại khu di tích Phố Hiến và khu di tích Đa Hoà – Dạ Trạch. Ngành du lịch cần tập trung các nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển có chiều sâu các loại hình dịch vụ du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và độc đáo; coi trọng và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mỗi khi đặt chân đến tỉnh…

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, với các chương trình, đề án phát triển văn hoá, thể thao và du lịch của UBND tỉnh được ban hành, hy vọng trong thời gian tới, ngành du lịch Hưng Yên có nhiều khởi sắc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT – XH của tỉnh.

Báo Hưng Yên