Thái Nguyên đưa khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành điểm đến hấp dẫn
Cập nhật: 28/09/2012
(TITC) - Hồ Núi Cốc nằm trên địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15km về hướng tây nam. Nơi đây nổi tiếng bởi nét đẹp nước non và bởi cả sắc màu huyền thoại của truyền thuyết nàng Công - chàng Cốc. Huyền thoại về một tình yêu không thành, một người ra đi nước mắt chảy thành sông, người kia chờ đợi mỏi mòn hóa thành núi.  

Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công, ở trên cao lưng chừng núi. Hồ được khởi công xây dựng năm 1972 và đưa vào khai thác năm 1978 với mục đích ban đầu là cung cấp nước cho hệ thống thủy nông và nước cho sinh hoạt của người dân thành phố Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Hồ gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Diện tích mặt hồ khoảng 2.500 ha, dung tích chứa nước khoảng 175,5 triệu m3. Trên mặt hồ rộng, có tới gần 100 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, đàn dê, có đảo dựng đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn…

Khu du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng trên một khuôn viên rộng có những cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành mát mẻ, xung quanh hồ là những dãy núi, cây rừng bao phủ và những đồi chè xanh mướt nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình phảng phất một chút sắc màu huyền thoại. Đứng trước hồ du khách có thể cảm nhận được sự mênh mông của nước hồ, sự bao la của đất trời. Hồ Núi Cốc giống như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu tất cả mọi vật, tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh lúc ẩn lúc hiện.

Từ năm 2001, tỉnh Thái Nguyên đã lập Quy hoạch chung Khu du lịch Hồ Núi Cốc với diện tích 18.940 ha. Sau 10 năm thực hiện, khu du lịch Hồ Núi Cốc đã thu được những kết quả khả quan. Về cơ sở hạ tầng, các tuyến giao thông vào khu du lịch Hồ Núi Cốc đều đã được đầu tư nâng cấp, hệ thống đèn chiếu sáng cũng được hoàn thiện. Ngoài các trục giao thông chính liên thông với các khu vực khác trong và ngoài tỉnh, các tuyến đường nội bộ và khu dân cư trong vùng Hồ Núi Cốc đều đã được hoàn thiện, tạo điều kiện lưu thông thuận tiện. Hệ thống điện, viễn thông được đầu tư, trang bị hoàn thiện. Hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch tới đây. Trên địa bàn có hơn 500 phòng nghỉ từ đạt tiêu chuẩn đến cao cấp. Các cơ sở lưu trú du lịch đều có hoạt động dịch vụ phục vụ hội nghị, hội thảo với công suất 60 ghế đến 300 ghế. Bên cạnh đó, hệ thống các nhà hàng cũng phát triển mạnh với nhiều món ăn đa dạng; có nhiều khu dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, thể thao như: Động Huyền thoại cung, Động âm phủ, Động 3 cây thông, Vườn sinh vật cảnh… 

Từ khi được đưa vào khai thác du lịch từ những năm 1990, đặc biệt là từ năm 2001 đến nay, khu du lịch Hồ Núi Cốc luôn là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên với lượng khách tham quan tăng theo các năm. Đáng chú ý, năm 2007, Thái Nguyên tổ chức Năm du lịch quốc gia – Về với thủ đô gió ngàn “Chiến khu Việt Bắc”, Hồ Núi Cốc đã được chọn và tổ chức thành công nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia, qua đó, lượng khách đến Hồ Núi Cốc tăng trưởng mạnh và tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 20% trong những năm tiếp theo. 


Đến năm 2010, khu du lịch Hồ Núi Cốc đón 600.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 20 tỷ đồng; năm 2011 lượng khách tăng lên đạt 750.000 lượt, đạt tổng thu 22 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2012, lượng khách đến khu du lịch Hồ Núi Cốc đã đạt 745.000 lượt. Sự phát triển du lịch ở khu vực Hồ Núi Cốc đã đóng góp đáng kể cho ngân sách, giải quyết được nhiều công ăn việc làm, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, khu du lịch Hồ Núi Cốc vẫn gặp phải một số khó khăn như: các khu vực nam và tây Hồ Núi Cốc vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên kém phát triển; cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn có sự phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao; lượng khách có sự tăng trưởng, nhưng không ổn định, thời gian lưu trú của khách còn thấp… 

Để phục vụ nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Thái Nguyên đã mời chuyên gia Thái Lan tham gia lập Quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên). Hi vọng với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Thái Nguyên, khu du lịch Hồ Núi Cốc sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, trở thành khu du lịch cấp quốc gia và tầm cỡ quốc tế trong thời gian tới.


                                                                                                          Hương Lê