Tìm hướng đi cho du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc
Cập nhật: 02/10/2012
(TITC) - Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 8 năm 2012, sáng 28/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị Phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng du lịch Tuyên Quang, mối liên kết giữa Tuyên Quang với các tỉnh vùng Đông Bắc và các tỉnh, thành cả nước trong phát triển du lịch; đồng thời tìm ra hướng đi cho du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn; đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch; đại diện các Sở VHTTDL và doanh nghiệp lữ hành các tỉnh vùng Đông Bắc cùng nhiều chuyên gia du lịch trong nước.   

                                               Đình Tân Trào

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí rằng, Đông Bắc là khu vực có tiềm năng du lịch phong phú với những điểm đến nổi bật như: Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên); khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); khu du lịch lịch sử và sinh thái Tân Trào (Tuyên Quang); vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); suối Lênin, hang Pắc Bó (Cao Bằng); Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)… Ngoài ra, Đông Bắc còn là nơi tập trung sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Pà Thẻn…) với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng.  

Thuộc khu vực Đông Bắc đầy tiềm năng, Tuyên Quang không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp nên thơ, trữ tình (động Song Long, động Tiên, hang Phia Vài, thác Mơ - Na Hang, suối nước khoáng Mỹ Lâm…) mà còn là thủ đô kháng chiến, bảo tàng cách mạng của cả nước với khoảng 500 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có gần 400 di tích lịch sử cách mạng quan trọng gắn với giai đoạn lịch sử chống Pháp (1945 – 1954) hào hùng của dân tộc (tiêu biểu như lán Nà Lừa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào...). Đây cũng là nơi hội tụ văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với kho tàng truyền thuyết, lễ hội, những điệu dân ca, dân vũ đặc sắc. Tuyên Quang có đầy đủ các thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng…

Tuy nhiên, du lịch Tuyên Quang nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng: các hoạt động du lịch trong vùng chưa thực sự hấp dẫn, đa dạng; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch còn nhiều hạn chế; công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và yếu... Bởi vậy, lượng khách du lịch đến với Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc chủ yếu là khách du lịch nội địa, thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu hạn chế.  

Xuất phát từ thực trạng đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc phát triển trong thời gian tới như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến nhằm thu hút các dự án đầu tư du lịch; xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô thích hợp, kiến trúc hài hòa với môi trường; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng; tăng cường liên kết vùng trong xây dựng các sản phẩm du lịch; lựa chọn và hướng dẫn đồng bào dân tộc cải tạo nhà cửa để đón khách theo mô hình homestay; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các cơ sở lưu trú…  

Hội nghị Phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc là tiền đề quan trọng để xây dựng chương trình phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012-2015, là cơ sở để Sở VHTTDL Tuyên Quang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đưa du lịch Tuyên Quang vào chương trình hành động quốc gia về du lịch nhằm thu hút mọi nguồn lực, tạo sự đột phá cho phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

Phạm Phương