Hội thảo quy hoạch du lịch Quảng Trị
Cập nhật: 26/10/2012
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đã phối hợp với Ban thực hiện Dự án Phát triển du lịch bền vững Mê Kông tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo Quy hoạch du lịch Quảng Trị.

 

Dân bản Klu (Đắk Rông) biểu diễn nhảy sạp tại hội thảo

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; đại diện các huyện, thị xã, thành phố; 13 xã có các dự án phát triển du lịch thuộc 4 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Đắk Rông và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn.

Quảng Trị có hơn 500 di tích được kiểm kê, xếp loại có giá trị lớn đối với du lịch hồi tưởng, hoài niệm; đồng thời có nhiều khu du lịch sinh thái như Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc, đảo Cồn Cỏ, các bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt… và nhiều lễ hội văn hóa độc đáo.

Tuy nhiên, đến nay du lịch Quảng Trị vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vấn đề quy hoạch phát triển ngành du lịch lâu nay chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Vì vậy, việc phát triển du lịch còn tự phát, chồng chéo và thiếu đồng bộ dẫn đến lãng phí vốn đầu tư mà sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn.

Với mục đích định hướng, bàn bạc các giải pháp để du lịch Quảng Trị phát triển theo hướng nhanh, bền vững và sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tại hội thảo, nhiều kiến nghị của các đơn vị liên quan tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo hướng từ phát triển chiều rộng sang tập trung phát triển chiều sâu đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, có trọng điểm và thương hiệu cạnh tranh; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết việc làm và giải pháp để xoá đói giảm nghèo.

Định hướng phát triển không gian du lịch Quảng Trị thành các cụm, trung tâm du lịch gắn với 3 sản phẩm du lịch đặc trưng là: du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch hành lang Đông- Tây. Các tham luận tại hội thảo cũng thống nhất phát triển du lịch đi đôi với việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như phối hợp với các ngành chức năng xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch.

Ngoài ra, hội thảo cũng bàn đến các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch như các đơn vị kinh doanh du lịch cần quan tâm đào tạo nghề căn cứ vào nhu cầu cụ thể; tranh thủ các chính sách của nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động du lịch; xây dựng chính sách riêng của địa phương để đào tạo nghề, phát triển du lịch cộng đồng đối với lao động là đồng bào dân tộc ít người, vùng khó khăn ven biển...
 

Báo Quảng Trị