Bình Thuận tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển
Cập nhật: 08/11/2012
Hiện du lịch đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận. Liên tiếp trong các năm gần đây, du lịch đóng góp đáng kể cho ngân sách, tốc độ tăng trưởng và doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Xây dựng điểm đến hấp dẫn

Dù “đi sau” nhiều địa phương trong cả nước về phát triển du lịch, song có thể nói ngành “công nghiệp không khói” ở Bình Thuận đang tiếp cận và bắt đầu hình thành tính chuyên nghiệp.

Đánh giá toàn diện ngành du lịch của Bình Thuận trong thời gian qua, điều không thể phủ nhận là sự chung tay góp sức, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, điểm đến được rất nhiều tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng. Từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch… tuy mức độ khác nhau song ai cũng ý thức được một điều: Không thể làm du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì” mà phải tổ chức sao cho bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về phát triển du lịch, tính chuyên nghiệp luôn được các chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước xác định là yếu tố hàng đầu. Đã có nhiều ý kiến cho rằng: Không thể có chuyện từng ấy thời gian làm du lịch rồi mà chúng ta vẫn chưa chuyên nghiệp, khác gì xe lao dốc không phanh. Để tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho ngành du lịch phát triển, tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Về quan điểm, mục tiêu của tỉnh cho thấy: nếu xác định phát triển du lịch bền vững là hướng chiến lược quan trọng thì tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển có trọng tâm, trọng điểm cũng không kém phần quan trọng. Mục tiêu mà Bình Thuận hướng đến là xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Thông qua phát triển du lịch, không ngừng xây dựng và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hình ảnh du lịch Bình Thuận thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của quốc gia và quốc tế. Đề án quy hoạch trên được các công ty, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch nhìn nhận như chiếc đòn bẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà có điều kiện phát triển.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Một cản trở đối với du lịch Bình Thuận là còn thiếu hạ tầng kỹ thuật diện rộng kết nối với quốc tế, quốc gia bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho du khách, nhất là khách quốc tế. Chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) hơn 200 km, cách sân bay Cam Ranh cũng tầm ấy cây số, nhưng để đến Phan Thiết du lịch, du khách phải mất từ 4 -5 tiếng đồng hồ ngồi ô tô, khiến nhiều khách nước ngoài ái ngại. Trong tương lai khi hệ thống đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hình thành, Bình Thuận sẽ kết nối với các tuyến này nhằm rút ngắn thời gian cho du khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Phan Thiết. Về sản phẩm du lịch, hiện Bình Thuận có rất nhiều loại hình như du lịch văn hóa, lễ hội, sự kiện, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao mạo hiểm trên cát – biển, sinh thái rừng – biển – đảo, du lịch thương mại – hội nghị, hội thảo, thăm thân nhân, du lịch cộng đồng, du lịch home – stay… Để tạo sự đa dạng cho du khách, ngoài các loại hình chúng ta đã có, sắp đến đây ngành du lịch tỉnh nhà sẽ tạo sản phẩm du lịch chuyên đề như: Tham quan TP. Phan Thiết (City tour), các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, lễ hội – sự kiện, tìm hiểu nền văn hóa Chăm, văn hóa cồng chiêng dân tộc K’ho, Raglai, Chơ ro, du lịch nghỉ dưỡng biển – rừng – hồ; du lịch nghiên cứu; điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, thể thao biển, thể thao trên cát, du lịch caravan quốc tế… Tất cả những loại hình này nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú của khách, tăng doanh thu cho du lịch và thu hút khách quay trở lại với Bình Thuận
 

Báo Bình Thuận
Từ khóa:
Bình Thuận ,