Bình Thuận dồi dào dư địa thu hút FDI trong phát triển du lịch biển
Cập nhật: 06/12/2012
Sở hữu thế mạnh về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển với 192km bờ biển, nhiều bãi biển đẹp và những nỗ lực trong cải thiện môi trường thu hút đầu tư, những năm qua Bình Thuận đã trở thành địa phương thu hút mạnh dòng vốn FDI vào du lịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch Bình Thuận chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và dư địa thu hút FDI vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều.

Tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng

Ông Ngô Minh Chính – Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết, sau nhiều nỗ lực thì du lịch Bình Thuận đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Du lịch Bình Thuận hiện là điểm sáng, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước: Sản phẩm du lịch Bình Thuận ngày càng phong phú đa dạng, hấp dẫn với hệ thống hơn 100 khách sạn, resort nghỉ dưỡng với hơn 8.000 phòng; các dịch vụ thể thao giải trí, lượt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển, chơi golf,… đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; tạo đột phá về doanh thu với mức tăng trên 30%/năm.

Năng lực đầu tư của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước vào ngành du lịch Bình Thuận đến nay đã đạt trên 63.000 tỷ đồng với 445 dự án, trong đó có 46 dự án đầu tư nước ngoài. Trong 10 tháng đầu năm 2012, Bình Thuận đón 2,63 triệu lượt khách, đạt 83,75% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 290.000 lượt, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu đạt 3.497 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2011. Với kết quả này, Bình Thuận đã từng bước khẳng định thương hiệu du lịch của mình.

Du lịch Bình Thuận đang được đánh giá cao với 3 đột phá, gồm đột phá về đầu tư với hệ thống resort nhiều và đa dạng, đột phá về sản phẩm với các dịch vụ mới hấp dẫn như lướt ván buồm, lướt ván diều, khinh khí cầu và đột phá về doanh thu du lịch…. Tuy nhiên, theo ông Lê Thân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận, hiện du lịch địa phương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Số lượng dự án đầu tư được triển khai hoàn thành và đi vào hoạt động kinh doanh chưa nhiều. Một số dự án có quy mô khá lớn đã được chấp nhận đầu tư khá lâu nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc triển khai kéo dài, chưa thể hiện được vai trò “đầu tàu” kích thích phát triển du lịch của cả vùng. Hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào những sản phẩm đang kinh doanh có hiệu quả, chưa chú trọng đầu tư vào các loại hình du lịch mới như vui chơi, giải trí có quy mô lớn…

Còn nhiều dư địa đầu tư

Ông Ngô Minh Chính cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về lượng khách trên 12%/năm, trong đó khách quốc tế tăng trên 15%/năm, doanh thu từ du lịch tăng 20%/năm. Đến năm 2015, thu hút ít nhất 4,5 triệu lượt khách, trong đó có 500.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 7.500 tỷ đồng. Đồng thời, theo Sở VHTTDL Bình Thuận, dự kiến trong giai đoạn 2015-2020, Bình Thuận sẽ có thêm 10 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn đi vào hoạt động như: tổ hợp Khu du lịch (KDL) thung lũng Đại Dương, KDL sinh thái Delverton, KDL Yasaka Phan Thiết, Aurora Residential and Resort Spa,… Đây là cơ hội lớn để Bình Thuận phát triển mạnh mẽ thế mạnh du lịch, đồng thời cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực du lịch tại địa phương vẫn còn rất lớn.

Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển du lịch theo chiều sâu và bền vững, khai thác tối đa giá trị tài nguyên, lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch trên địa bàn, trong đó nghỉ dưỡng biển, thể thao biển trở thành loại hình du lịch đặc trưng có thương hiệu mạnh của quốc gia và các nước trong khu vực, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng, công tác thu hút đầu tư, trong đó đầu tư nước ngoài được chú trọng đúng mức. Đồng thời, ngành du lịch Bình Thuận còn tiến hành thực hiện song song nhiều giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư như khai thác tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch địa phương; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch…, nhằm hướng đến mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, cộng hưởng cùng năng lực nội tại đưa ngành du lịch Bình Thuận lên một bước tiến mới, ấn tượng với thương hiệu du lịch biển hàng đầu Việt Nam.

VEN