Ngày xuân dự Hội thổi cơm thi
Cập nhật: 23/01/2008
Ở mỗi vùng miền trên đất nước ta đều có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, những lễ hội sinh hoạt văn hóa dân gian rất riêng nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.


Trong các lễ hội cổ truyền đầu xuân của dân tộc còn được bảo tồn đến nay có Hội thổi cơm thi ở thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 25km về phía bắc theo quốc lộ 3 là một ví dụ rõ nét.

Theo các cụ cao tuổi ở thôn Lương Quy kể lại: Vào đời Hùng Vương thứ sáu, khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, tại làng Phù Đổng - huyện Gia Lâm - Hà Nội, xuất hiện một cậu bé tình nguyện giúp vua cứu nước (sau này được suy tôn là Thánh Gióng). Khi Thánh Gióng trên đường đuổi giặc đi qua thôn Lương Quy thì rất đông trai làng theo ông đánh giặc. Vì thế, muốn các chàng trai của thôn quê được ăn uống no nê trước lúc ra trận, các bô lão trong làng đã họp bàn khẩn cấp, chỉ huy mọi người tích cực chuẩn bị nấu cơm để khao quân.

Được quê hương cổ vũ, 50 chàng trai hăng hái lên đường cùng Thánh Gióng ra trận đánh giặc Ân. Sau khi chiến thắng trở về, ba trai làng giỏi nhất được triều đình phong tước "Tam vị Đức Đại Vương"; cũng từ đấy mà Hội thổi cơm thi ra đời bảo tồn cho đến ngày nay.

Cứ vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân Xuân Nộn và khách thập phương tổ chức Hội thổi cơm thi để cúng tế "Tam vị Đức Đại Vương". Hội thổi cơm thi cứ 3 - 5 năm lại được tổ chức 1 lần.

Cuộc thi được tổ chức tại sân đình, có 4 giáp trong làng: Đông, Tây, Nam, Bắc tham dự. Mỗi giáp cử năm chàng trai khoẻ mạnh với trang phục hết sức đơn giản: áo đỏ, đầu quấn khăn đỏ; còn nữ mặc áo dài trắng; cuộc thi chủ yếu dành cho nam, nữ dự thi têm trầu cánh phượng.

Sau khi những hồi trống nổi lên, các chàng trai, cô gái đại diện cho các giáp ra mắt dân làng. Những lá cờ hội được các trai làng phất lên, chia làm ba cánh tượng trưng cho ba đạo quân của ba Đức Đại Vương khi phất cờ đánh giặc Ân. Tiếp đến là biểu diễn múa kiếm thể hiện uy lực của các đạo quân do 3 vị Đức Đại Vương dẫn đầu đánh đuổi giặc Ân giữ gìn biên cương của Tổ quốc rồi cuộc thi chính thức bắt đầu: Đại diện các giáp chạy lên lấy thẻ. Các thiếu nữ của các giáp lên nhận trầu cau để thi têm trầu cánh phượng, cuộc thi đòi hỏi mỗi người phải có bàn tay khéo léo, kỹ thuật thuần thục để tạo nên những miếng trầu như đôi cánh phượng đang bay.

Khi các thiếu nữ thể hiện tài năng của mình trong cuộc thi bổ cau, têm trầu, thì trai làng các giáp bắt đầu thi chạy lấy nước được đựng trong các nồi đất nhỏ, cách địa điểm thi khoảng 1 km. Sau đó, các giáp nhận thóc để giã gạo bằng cối đá. Tiếp đến các chàng trai chuẩn bị thanh giang hoặc thanh nứa cọ xát vào những thanh xoan ngâm nước được phơi khô đè lên rơm (hoặc rác) để tạo ra lửa. Đây là nét độc đáo của hội thổi cơm thi: bằng kỹ thuật điêu luyện kết hợp với kinh nghiệm đã có để tạo ra lửa nhanh trong thời gian ngắn nhất. Khi đã có lửa, các chàng trai thi bắt gà để làm thịt lễ thánh; đồng thời các chàng trai lại phải nhanh chóng vo gạo nấu cơm. Nồi nấu cơm được kẹp chặt bằng những thanh tre già, trong tiếng trống rộn ràng, tiếng cổ vũ của người xem, từng giáp một vừa đi vừa thổi cơm vòng quanh sân đình, người cầm bó đuốc, người cầm nồi cơm, người canh chừng cơm sôi, cứ như thế cho đến khi hết thời gian và phần đóm qui định. Sau đó, dùng khăn ướt nắm cơm thành từng nắm. Cơm yêu cầu phải chín, dẻo, thơm... Mỗi công đoạn của cuộc thi đều được điểm, giáp nào giành thắng lợi chung cuộc sẽ được làng ban thưởng, phần lớn là các phần thưởng tượng trưng. Sau khi kết thúc phần thi, các cụ cao tuổi trong làng dâng cơm, gà, trầu lên bàn thờ Tam Vị Đức Đại Vương, dân làng biểu diễn tiết mục múa trống thể hiện sự hân hoan, phấn khởi của toàn dân khi chiến thắng giặc Ân trở về.

Hội thổi cơm thi ngày xuân thực sự đã tạo được ấn tượng và thu hút du khách gần xa. Ngoài việc tham dự lễ hội, du khách bốn phương còn được xem biểu diễn đấu vật, đánh cờ người, chọi gà, hát quan họ, thi đấu thể thao...
Báo Du lịch