Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa để thu hút khách tham quan
Cập nhật: 11/03/2013
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 64 di tích lịch sử văn hóa gồm: 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 50 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, thời gian qua, công tác quản lý di tích được các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân thực hiện tốt. Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường, việc trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích được chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương.

Những năm gần đây, để nâng cao, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thu hút khách tham quan, các di tích thuộc Sở VHTTDL tỉnh quản lý và những di tích được phân cấp UBND các huyện, thị, thành phố quản lý tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: hoạt động vui chơi, giải trí, các phong trào thi đua, thực hiện tốt công tác bảo vệ di sản đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đồng thời giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Công tác đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ khách tham quan, học tập truyền thống, sinh hoạt đoàn, đội, dã ngoại tại Khu di tích Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh) luôn được duy trì và không ngừng đổi mới. Vừa qua, Khu di tích đã đưa vào sử dụng hội trường có sức chứa 120 chỗ ngồi, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt và chiếu sáng bảo vệ khu vực II của di tích.

Hàng ngày, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đều mở cửa phục vụ khách tham quan. Bên cạnh các phòng trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ, Khu di tích còn tổ chức các đợt trưng bày chuyên đề phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của khách khi đến tham quan; trồng bổ sung các loại hoa kiểng, tạo cảnh nông thôn Nam bộ ở làng Hòa An xưa.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cũng tổ chức phục vụ chu đáo khách viếng, dâng hương tưởng nhớ cụ Phó bảng và sinh hoạt cắm trại, tổ chức kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng, báo công,... trong khu di tích; phối hợp với Hội Đông y tỉnh tổ chức trưng bày thuốc và khám chữa bệnh y học cổ truyền phục vụ khách miễn phí.

Những di tích phân cấp được UBND các huyện, thị, thành phố quản lý có khả năng khai thác khách du lịch như: nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung,... Các di tích là cơ sở tín ngưỡng như đền thờ Trần Văn Năng, đình An Phong, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, hay những di tích là nơi lưu niệm sự kiện, lưu niệm danh nhân và khảo cổ luôn được chăm nom, gìn giữ cẩn thận; các Ban quản lý, Ban tế tự phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các hoạt động thiết thực liên quan đến di tích.

Dịp Tết vừa qua, các khu di tích trong tỉnh đã thu hút trên 170 ngàn lượt khách tham quan, trong đó Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Khu di tích Xẻo Quít với số lượt khách tham quan tại mỗi điểm tăng gần 30% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2012. Qua đây cho thấy, việc nâng cao, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Báo Đồng Tháp