Đồng Tháp tập trung khai thác các tiềm năng du lịch
Cập nhật: 21/03/2013
Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đất ngập nước.

Trước tiên phải kể đến Vườn quốc gia Tràm Chim - mô hình thu nhỏ cảnh quan sinh thái của vùng Đồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm được thế giới bảo vệ.

Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới và là khu Ramsar thứ tư tại Việt Nam. Kế đến là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, một quần thể gần 2.000ha rừng tràm, nơi tập trung hơn 15 loài chim quý hiếm sinh sống.

Đồng Tháp còn có làng hoa cảnh Sa Đéc, rộng gần 300ha, xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo.” Làng hoa Sa Đéc đã được lập dự án xây dựng, trong tương lai sẽ trở thành một điểm du lịch lý thú mang sắc thái độc đáo riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng Tháp còn là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như khu di tích Gò Tháp, nơi được xếp loại di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia với quần thể gồm 5 di tích tiêu biểu.

Gò Tháp nằm giữa Đồng Tháp Mười bao la, môi trường sinh thái còn nhiều hoang sơ và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đặc biệt, nơi đây giới khảo cổ đã phát hiện được di chỉ văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cách đây khoảng 1.500 năm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái tại Gò Tháp, với các khu vui chơi giải trí, dự án Tháp Sen 10 tầng, ẩm thực; khu bảo tồn và trưng bày động vật hoang dã vùng Đồng Tháp Mười; khu bảo tồn, giới thiệu các di tích lịch sử, tín ngưỡng.

Khu di tích Xứ ủy Nam Bộ cũng được dự kiến xây dựng, tái hiện lại. Ngoài ra, Lễ hội Gò Tháp vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm tính dân gian cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Đồng Tháp còn có Khu di tích Xéo Quýt được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha, khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rộng gần 11ha nằm tại thành phố Cao Lãnh.

Những làng nghề truyền thống cũng là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch tại Đồng Tháp như làng chiếu Định Yên, làng đóng xuồng Rạch Bà Đài, làng dệt khăn choàng tắm ở Long Thuận, làng nuôi cá bè ở Hồng Ngự… Hay các món ăn đặc sản như hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài cát Cao Lãnh, bưởi Phong Hòa, bánh phồng tôm Sa Giang, hủ tiếu Sa Đéc...

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó chú trọng khai thác các giá trị sinh thái đất ngập nước điển hình như Đồng Tháp Mười, làng hoa Sa Đéc, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim…

Bình quân mỗi năm Đồng Tháp thu hút hơn 1,4 triệu lượt khách. Hiện các dự án đầu tư du lịch có quy mô đầu tư lớn đang được triển khai như khu du lịch Bàu Dong, huyện Tân Hồng (gần cửa khẩu Dinh Bà), khu du lịch Mekong - thị xã Hồng Ngự, khu du lịch văn hóa Lúa Nước ở huyện Lấp Vò… khi hoàn thành sẽ góp phần tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm du lịch của Đồng Tháp.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch có kế hoạch cụ thể để tái cơ cấu ngành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, quan tâm đến công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Vietnam+