Bà Rịa-Vũng Tàu đa dạng hóa loại hình du lịch sinh thái
Cập nhật: 01/04/2013
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều cảnh quan thiên nhiên rừng – núi – biển liền kề và nối tiếp nhau. Đây là tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác đúng mức, việc đầu tư còn manh mún nhỏ lẻ và dàn trải. Đã đến lúc đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển du lịch sinh thái kết hợp “rừng và biển” một cách hài hòa và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Xây dựng tuyến du lịch biển và rừng

Huyện Xuyên Mộc có 32km bờ biển, trải dài ven theo Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Bình Châu - Phước Bửu. Với lợi thế rừng nhiệt đới sát biển, những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch tập trung tại khu vực bãi biển Hồ Tràm, Hồ Cóc. Đến nay, trên địa bàn huyện có 103 dự án du lịch với tổng diện tích hơn 3.974ha được triển khai, trong đó: Vốn đầu tư nước ngoài 5 dự án với diện tích 726ha, vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD. Vốn đầu tư trong nước 98 dự án với diện tích 3.248ha, trong đó vốn đăng ký của các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 gần 11.532 tỷ đồng. Trong năm 2012, có 2 dự án quy mô lớn đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 là Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm và Khu du lịch Hồng Phúc - Vietsovpetro. Một số dự án khác cũng đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư như Khu du lịch Lộc Phúc, Hải Thuận, Bến Thành - Hồ Tràm, Minh Trí, Ngân Hiệp...

Ông Lương Thành Công, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết: Với định hướng khai thác tốt điều kiện tự nhiên, hiện đại hóa dần các trọng điểm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - lịch sử, huyện sẽ tập trung xây dựng tuyến du lịch “rừng và biển” mở rộng từ suối khoáng nóng Bình Châu nối liền các Khu du lịch biển Hồ Cóc, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đến Khu du lịch biển Hồ Tràm, tạo nên thế mạnh du lịch của Xuyên Mộc. Ngay trong năm 2013, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch đã thỏa thuận địa điểm, tạo tiền đề thuận lợi cho chiến lược phát triển du lịch sinh thái “rừng và biển” của huyện trong những năm tiếp theo.

Ông Lê Xá, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Theo quyết định số 1742/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có 40 dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn huyện đến năm 2020. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến một số dự án, công trình có tính đột phá, tạo động lực thu hút đầu tư và đẩy mạnh thực hiện các dự án khác. Với mục tiêu chiến lược phát triển Côn Đảo thành “đô thị du lịch biển”, ngoài việc khai thác tốt và thường xuyên nâng cấp các khu du lịch hiện hữu, còn có các dự án đã có chủ trương đầu tư đưa vào danh mục thực hiện đến năm 2020, gồm các khu du lịch: Bãi Nhát, Bãi Dương, bán đảo Con Ngựa, Hotel Resort Regency Hyatt- Bãi Đầm Trầu nhỏ. Các dự án đề xuất mới gồm các khu du lịch: Cỏ Ống, Bến Đầm, Đầm Tre và khu trung tâm.

Thiết kế các chuỗi sản phẩm liên kết

Nhìn một cách tổng thể, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh còn thiếu sức hấp dẫn vì các sản phẩm đơn điệu, thiếu tính liên kết. Đơn cử như, du khách đến Côn Đảo chỉ được tham quan hệ thống nhà tù và các di tích lịch sử cách mạng. Trong khi đó, thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo cảnh quan núi non hùng vĩ, quần thể biển đảo hội tụ với 16 hòn đảo lớn nhỏ. Nhưng hiện tại, ở đây chỉ mới đầu tư cho hệ thống resort biển có tính chất nghỉ dưỡng là chủ yếu. Nhiều du khách nước ngoài có nhu cầu khám phá những giá trị thiên nhiên của Côn Đảo nhưng không có các sản phẩm đáp ứng như: cáp treo lên đỉnh núi Ma Thiên Lãnh, du thuyền đến các đảo, bộ môn leo núi, lặn biển... Ở huyện Xuyên Mộc, hầu hết các khu du lịch nơi đây cũng chỉ có các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, trong khi rừng nguyên sinh nhiệt đới liền kề và vườn cây trái của hộ dân trong vùng nếu được đưa vào khai thác kết hợp sẽ tạo ra thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn khác, như: đi dạo trong rừng, cắm trại giữa rừng, tham quan vườn thú hoang dã, thưởng thức trái cây và sản phẩm chăn nuôi tại vườn nhà của hộ dân...

Không chỉ riêng ở Côn Đảo và Xuyên Mộc, một số địa phương khác trong tỉnh cũng có định hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư còn dàn trải, chưa huy động tối đa các nguồn lực phát triển nên hiệu quả đầu tư còn thấp. Mong rằng tới đây, ngành du lịch của tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các sản phẩm du lịch “rừng và biển”, nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái có tính liên kết chặt chẽ, tạo thành các “chuỗi” sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao, ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Bà Rịa-Vũng Tàu.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu