Tiền Giang: Thu hút khách quốc tế bằng du lịch sinh thái
Cập nhật: 15/05/2013
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, doanh thu từ ngành Du lịch của địa phương này đạt trên 1.127 tỷ đồng, tăng gần 16%. Đặc biệt, trong số gần 370.000 lượt du khách đến Tiền Giang có trên 190.000 khách quốc tế, tăng gần 3% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, những năm qua, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong du lịch, địa phương này đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, tăng thêm sức hấp dẫn cho ngành Du lịch địa phương, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả.

Toàn tỉnh đã xây dựng mạng lưới 14 điểm kinh doanh du lịch với hàng chục hộ nông dân tham gia ở 4 địa điểm chính trong các tour du lịch miệt vườn hấp dẫn như Cù lao Thới Sơn, trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Khu du lịch Cái Bè thuộc huyện Cái Bè. Cù lao Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy và Khu du lịch biển Tân Thành thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông đang được 26 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế khai thác một cách hiệu quả. Đáng chú ý, cùng khai thác hoạt động du lịch trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, còn có mạng lưới phương tiện vận chuyển hành khách bằng đường thủy hết sức hùng hậu gồm 290 thuyền máy, 160 đò chèo giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định.

Để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan phong cảnh sông nước Tiền Giang, tỉnh đã mở thêm nhiều sản phẩm du lịch mới có tính hấp dẫn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế như du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn trái đặc sản Tiền Giang, đò chèo trên sông, rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống, dự đám cưới cổ truyền của người Nam Bộ, thăm trại rắn Đồng Tâm – nơi có khu nuôi dưỡng rắn độc lớn nhất Đông Nam Á…. Ngoài ra, còn có các tour đặc biệt được mở thêm vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền như ăn Tết với dân Nam Bộ, tham quan vùng trồng hoa cảnh nổi tiếng ngoại thành Mỹ Tho…

Huyện Cai Lậy có trên 18.500 ha vườn cây ăn trái với các giống cây trồng đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, mít nghệ, roi An Phước,... người dân cần cù, chăm chỉ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây cho trái quanh năm với sản lượng lớn, chất lượng cao. Đặc biệt, chôm chôm Tân Phong, sầu riêng Ngũ Hiệp đã trở thành những thương hiệu trái cây nổi tiếng. Ngoài ra, địa phương có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nguồn thủy sản nước ngọt khá dồi dào, phong phú. Huyện còn có 16 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia như khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, đình Long Trung, lăng Tứ Kiệt, bia di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài,... Lợi thế thiên nhiên ban tặng và truyền thống văn hóa gắn với đời sống người dân miệt sông nước là điều kiện thuận lợi để huyện Cai Lậy phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử.

Tại huyện Cái Bè, chỉ trong năm 2012, đã thu hút được 120.256 lượt du khách đến tham quan chợ nổi Cái Bè, làng nghề bánh kẹo, nhà cổ Đông Hòa Hiệp, du lịch sinh thái miệt vườn... ,tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 90.192 lượt du khách quốc tế và 30.064 lượt khách nội địa.

Được biết, trên địa bàn huyện Cái Bè hiện có 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh tại đây để phục vụ du khách đến Cái Bè tham quan, nghỉ dưỡng. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch sinh thái của huyện là rất lớn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để phát triển du lịch như tăng cường giới thiệu, quảng bá di sản, đầu tư vào các loại hình du lịch trọng điểm, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh để thu hút ngày càng nhiều du khách đến Cái Bè tham quan và nghỉ dưỡng.

Do làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang cũng được phát huy. Điển hình như nghề làm cốm kẹo, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và những nguyên liệu tại chỗ, nuôi ong mật, sinh hoạt đờn ca tài tử miệt vườn sông nước…tại các cù lao trên sông Tiền. Từ đó, tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc ở những điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang là cù lao Thới Sơn, cồn Rồng, Xẻo Mây... Nhờ vậy, lượng du khách đến Tiền Giang mỗi năm mỗi tăng và kinh doanh du lịch đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – văn hóa xã hội địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi năm Tiền Giang đón trên 1 triệu lượt du khách. Địa phương này đang phấn đấu đến năm 2015 đón trên 1,46 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ ngơi.

Cũng theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh này đã quyết định đầu tư 1.600 tỷ đồng để kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại cồn Ngang và cồn Cống - hai cồn nằm ven cửa Tiểu trên sông Tiền giáp biển Đông thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông. Hiện trên 2 cồn nói trên, các nhà đầu tư đang xây dựng các khu du lịch sinh thái, đây là tiềm năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước rất lớn của Tiền Giang trong tương lai.

ĐCSVN