'Mang' Hội An (Quảng Nam) ra thế giới
Cập nhật: 06/06/2013
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Hội An đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động địa phương và “mang” Hội An ra thế giới bằng chính những sản phẩm giàu bản sắc văn hóa.

Khẳng định vai trò

Theo thống kê, hiện nay toàn TP. Hội An có gần 15 nghìn lao động trực tiếp làm việc trong ngành thương mại - du lịch - dịch vụ (TM-DL-DV) với mức lương bình quân từ 0,8 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Văn Nhân - Phó phòng TM-DL Hội An nói: “Một trong những thành tựu của ngành TM-DL-DV Hội An 5 năm trở lại đây là đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng. Du lịch đã khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân”.

Cùng với sự phát triển của thành phố, số cơ sở kinh doanh đã tăng nhanh với đa dạng ngành nghề, nhất là các ngành hàng nhà hàng, bán vải - may thời trang, giày dép, túi xách, lồng đèn, văn phòng du lịch, dịch vụ lữ hành, khách sạn... và tập trung chủ yếu ở khu trung tâm phố cổ và các tuyến lân cận cùng khu vực biển Cửa Đại. Năm 2006, Hội An có 3.935 cơ sở kinh doanh, đến tháng 9/2011 đã tăng lên 4.337 cơ sở. Trong khi đó, giá trị sản xuất đã tăng gấp đôi (từ 1.260 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng), tỷ trọng của ngành cũng tăng từ 48,98% năm 2006 lên 53,79% năm 2010.

Không chỉ thế, mạng lưới hạ tầng du lịch cũng đã phát triển mạnh. Năm 2005, Hội An đã có 73 cơ sở lưu trú với 2.700 buồng, phòng, đến năm 2010 đã tăng lên 86 cơ sở với 3.212 buồng, phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 - 5 sao. Hệ thống dịch vụ vận chuyển, lữ hành, địa lý du lịch hiện có 42 đơn vị, trong đó có 3 đơn vị lữ hành quốc tế với 150 đầu xe, hơn 70 ca nô cao tốc và thuyền du lịch. Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: “Du lịch Hội An đang mang lại lợi ích cho cộng đồng thông qua việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa. Đơn cử như các làng nghề truyền thống, các mô hình homestay đã trở thành các chương trình du lịch cộng đồng hiệu quả. Hơn hết, hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Hội An tại Việt Nam và quốc tế đã từng bước được nâng cao”.

Vươn ra thế giới

Sau chuyến công tác tại Nhật Bản mới đây, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi đến thành phố Osaka và ngay cả Tokyo - Nhật Bản đều đã thấy thương hiệu Yaly hay Á Đông Silk được giới thiệu tại các trung tâm kinh tế. Điều đó là đáng tự hào và hiệu quả quảng bá cho Hội An là vô cùng lớn trong cuộc hội nhập này”. Thật ra, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Hội An đã vươn tầm hoạt động ra thị trường quốc tế. Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP DL-DV Hội An nói: “Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, chúng tôi thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch lớn và tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang truyền thông du lịch có uy tín dành cho doanh nhân và du khách quốc tế”.

Thông qua sản phẩm của các doanh nghiệp, Hội An liên tục được các trang mạng chuyên ngành uy tín như Smart Travel Asia, Tripadvisor... bình chọn là một trong 10 điểm đến tốt nhất châu Á hay điểm đến có ẩm thực tốt nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp như Công ty CP DL - DV Hội An, các khu resort Ven Sông, Cát Vàng, Palm Garden, Victoria, Life Resort... là thành viên của các Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Úc... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã phát huy tính liên kết, hợp tác quốc tế trong kinh doanh để trở thành nơi tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn như Năm Du lịch quốc gia, Hội nghị APEC, ASEAN, lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất... Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Không phải ngẫu nhiên mà từ Hội An, đương kim Hoa hậu Trái đất 2009 và Hoa hậu thế giới người Việt 2010 Lưu Diễm Hương đã phát đi một thông điệp cho toàn thế giới về những hành động thiết thực của chúng ta nhằm tạo sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Đó chính là thương hiệu, uy tín của ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp Hội An”.

Báo Quảng Nam