Phải đồng bộ trong kích cầu du lịch Bình Thuận
Cập nhật: 10/07/2013
Năm 2013 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn về chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến lượng khách cũng như khả năng chi tiêu của khách khi đến Việt Nam.

Tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều khó khăn cùng với thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến hoạt động du lịch.

Du lịch Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm thu hút trên 1,75 triệu lượt khách, đạt 50% kế hoạch năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu tăng 23,5%. Tuy nhiên, có thể thấy tốc độ tăng trưởng về lượng khách cũng như doanh thu đều thấp hơn năm 2012. Để hoàn thành chỉ tiêu du lịch năm 2013 là đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 380 nghìn lượt, doanh thu từ du lịch đạt 5 nghìn tỷ đồng, thiết nghĩ du lịch Bình Thuận cần  hưởng ứng một cách tích cực Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 do Tổng cục Du lịch phát động, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh Du lịch Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và tin cậy đối với du khách.

Để kích cầu du lịch đạt mục tiêu đề ra, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan trực tiếp như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công an tỉnh; Báo Bình Thuận; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bình Thuận, theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.

Kích cầu du lịch đòi hỏi phải thực hiện một chuỗi dịch vụ trực tiếp và gián tiếp phục vụ khách lưu trú như vận chuyển, ăn uống, giải trí, mua sắm…mà trước hết là thực hiện các chương trình giảm giá buồng, phòng, giá dịch vụ trong các cơ sở lưu trú. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh cần có chương trình, kế hoạch vận động các khách sạn, resort, cơ sở nghỉ dưỡng tham gia cam kết giảm giá cho du khách trong thời gian kích cầu. Các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng cần được đầu tư mở rộng nâng cấp, tăng cường tiếp thị, củng cố phương thức kinh doanh và tạo ra các sản phẩm mới.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng các tour, tuyến mới thông qua liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, các đơn vị lữ hành có thương hiệu lớn; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện mua bán văn minh; tổ chức hội thảo thu hút khách quốc tế, nhất là khách Nga; phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ; xây dựng các tour giảm giá vào mùa thấp điểm; triển khai chiến dịch làm sạch môi trường du lịch, xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn tại các tuyến, điểm du lịch; tổ chức đón và ưu đãi một số quyền lợi cho các đoàn Famtrip giới thiệu các điểm đến trên địa bàn tỉnh cho các công ty lữ hành lớn và các nhà báo…

Ngoài ra, việc triển khai, kêu gọi doanh nghiệp tham gia chiến dịch kích cầu cần có các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo ngành du lịch và các doanh nghiệp để có sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở nhằm cụ thể hóa nghĩa vụ và quyền lợi cho mỗi doanh nghiệp tham gia. Nói chung, để kích cầu đạt được mục tiêu cần thực hiện một chiến dịch kích cầu đồng bộ kết hợp với tổ chức sự kiện làm điểm nhấn vào một thời điểm thích hợp và cần có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông thì sẽ mang lại hiệu quả cao.

Báo Bình Thuận