Nam Định phát triển du lịch gắn với khai thác và quản lý lễ hội mùa thu
Cập nhật: 25/07/2013
Nam Định là "vùng đất của lễ hội", trong đó có nhiều lễ hội mùa thu mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khai thác các lễ hội mùa thu, đặc biệt là Lễ hội Trần gắn với phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh là “đòn bẩy” cho sự phát triển ngành Du lịch của tỉnh.

Theo thống kê, tỉnh ta có hơn 30 lễ hội mùa thu; trong đó Lễ hội Trần có quy mô vùng được tổ chức từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch tại khu Di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP. Nam Định) và Di tích Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc) thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và khách thập phương. Về dự Lễ hội Trần, du khách được dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, đồng thời còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể khu Di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần. Ngoài ra, nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn như lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường). Lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hàng năm không chỉ thu hút du khách thập phương với phần hội và phần lễ độc đáo, mà còn nổi tiếng về một quần thể di tích với tháp “Cửu phẩm liên hoa” gồm 11 tầng. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch, trong đó, vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhân dân địa phương tổ chức trang trọng và diễn ra sớm hơn, vào ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch. Các nghi lễ được tiến hành với nhiều quá trình, nghi thức khác nhau, như lễ mở cửa đền, dựng nêu, tắm tượng, rước kiệu, dâng hương... Ngoài phần lễ, phần hội trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện trong những năm qua đã khôi phục nhiều trò chơi dân gian, dân vũ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống độc đáo như tổ tôm điếm, bắt vịt, làm bánh dầy, chọi gà, đấu vật, cầu đu, múa roi, bơi chải…

Công tác tổ chức và quản lý các lễ hội mùa thu ở tỉnh ta những năm qua đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Để phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch, tỉnh ta đã triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến du lịch bến Hữu Bị - Đền Bảo Lộc - Đền Trần - Chùa Tháp - Công viên Tức Mặc, dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường vào khu di tích tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh và khu du lịch, lễ hội chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường). Các dự án trên cùng với tuyến quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch từ nơi khác về tỉnh và giữa các khu du lịch trong tỉnh. Mặt khác, để khai thác và phát huy hiệu quả hơn nữa hệ thống di tích nói chung và các lễ hội mùa thu nói riêng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trong không gian vùng đồng bằng sông Hồng, việc kết nối hệ thống di sản văn hoá, nhất là di sản văn hóa Trần tại Nam Định với các địa danh thuộc các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình cần được quy hoạch tổng thể.

Lễ hội Trần được tổ chức vào mùa thu là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh ta trong 66 sự kiện của 11 tỉnh, thành phố hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013. Do đó, việc khai thác các lễ hội mùa thu, đặc biệt là Lễ hội Trần có quy mô cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh là “đòn bẩy” cho sự phát triển ngành Du lịch Nam Định. Qua đó, các cấp, các ngành cần chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho việc quản lý và tổ chức lễ hội mùa thu nói chung và Lễ hội Trần nói riêng, nhất là các dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Báo Nam Định