Cơ hội mới phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở Yên Dũng
Cập nhật: 20/08/2013
Nâng cao chất lượng văn hóa, phát triển du lịch là một trong 5 chương trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trọng tâm huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, nhiệm kỳ 2011-2015. Qua nửa chặng đường thực hiện, chương trình tạo dấu ấn rõ nét, nhất là lĩnh vực phát triển du lịch.

Nhiều thế mạnh


Thực hiện chương trình này, Huyện uỷ, UBND huyện Yên Dũng xác định hai mũi nhọn cần tập trung khai thác, phát triển là du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.


Lợi thế nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) - địa chỉ thu hút đông đảo du khách thập phương. Đây là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng từ thế kỷ XIII, được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nổi tiếng cả nước bởi những nét độc đáo, riêng biệt. Ngoài ra, Yên Dũng còn có chùa Kem (xã Nham Sơn), xây dựng năm 1075 nằm trong hệ thống di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Đó là đền Thanh Nhàn (xã Nham Sơn), đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ (xã Yên Lư); đình, chùa, nghè Lũ Phú (xã Xuân Phú)… Đặc biệt, dự án Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng đã phác thảo một danh thắng mới trong bức tranh chung phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh. Công trình toạ lạc trên dãy núi Nham Biền thuộc xã Nham Sơn.

Ở loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đến Yên Dũng, du khách có dịp tham quan dãy Nham Biền hùng vĩ với 99 ngọn núi lớn, nhỏ hợp thành, đan xen vào nhau với nhiều tên gọi “lạ” như: Hòn Giữa, Neo, Cột Cờ, ông Đống, Trói Trâu, con Voi… Trong đó hấp dẫn hơn cả là dãy núi Neo với đỉnh Vua Bà được tạo bởi các khối đá cát kết lớn, đá gan trâu, gan gà ghềnh đỏ… Sườn núi có vô số khe nước nhỏ chảy xuống khu vực chùa Nguyệt Nham hướng ra sông Thương.

Với địa hình đa dạng,  vừa có núi, có sông, nguồn thủy sản phong phú, Yên Dũng có thế mạnh thu hút du khách đến khám phá hệ thống sông, hồ, đánh bắt cá chế biến các món ăn đồng quê. Trong số những loài sản vật của đồng quê, cua da từ lâu đã nổi tiếng gần xa bởi hương vị thơm, ngọt, đậm đà. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm giàu chất quê như gốm làng Ngòi, bánh đa Cảnh Thụy, bánh dày Xuân Phú, tương Trí Yên…

Cơ hội bứt phá

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đánh thức tiềm năng to lớn về du lịch, trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, bằng nhiều nguồn kinh phí, huyện đã tập trung đầu tư phát triển văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo động lực cho phát triển du lịch. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là đã quy hoạch mở rộng khu vực chùa Vĩnh Nghiêm lên gần 50 ha; tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục bên trong và ngoài chùa như cổng, bãi đỗ xe, kho chứa mộc bản trị giá hàng chục tỷ đồng.

Cùng với sự kiện kho mộc bản được UNESCO vinh danh là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Vĩnh Nghiêm tự hứa hẹn sẽ là điểm đến ngày càng hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước. Tại khu vực Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng rộng 30ha, đến nay huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 10ha, nhiều công trình trong Thiền viện được đầu tư xây dựng như lầu chuông, lầu trống; hoàn thành đúc tượng phật bằng đá quý hiếm cùng chuông đồng nặng 1,5 tấn. Đường vào Thiền viện và lên chính điện cũng cơ bản hoàn thành với mặt cắt từ đường 398 vào rộng 32m.

Đặc biệt, mới đây dự án xây dựng sân golf cùng hệ thống dịch vụ rộng 200ha nằm trên địa bàn hai xã Tiền Phong, Yên Lư đã được phê duyệt trong danh mục Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Sân golf có quy mô 36 lỗ do Công ty cổ phần QNK và Công ty cổ phần tập đoàn T&T liên danh đầu tư với tổng vốn 1.625 tỷ đồng. Quy hoạch chi tiết sân golf cùng với các dịch vụ đi kèm hiện đã được phê duyệt. Khi công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo nên những nét chấm phá mới cho bức tranh du lịch Yên Dũng.

Bên cạnh những điểm du lịch cụ thể, huyện Yên Dũng cũng được hưởng lợi từ các dự án lớn như dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 từ TP. Bắc Giang qua Yên Dũng, Lục Nam lên chân dãy núi phía Tây Yên Tử rộng 26m với nhiều đường nhánh; đường tỉnh 398 được nâng cấp mở rộng về trung tâm huyện, nối với quốc lộ 18 bằng cây cầu bắc qua sông Cầu nối xã Nham Sơn với Quế Võ (Bắc Ninh), với tổng kinh phí 65 tỷ đồng…

Bằng nguồn kinh phí ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa nổi bật đã được xếp hạng trên địa bàn; đồng thời từng bước khôi phục một số làng nghề, làng chèo truyền thống; phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ - du lịch…để thu hút khách tham quan.

Dù hiện tại, đóng góp của ngành “công nghiêp không khói” trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương còn khá khiêm tốn song với định hướng đúng đắn và sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, bức tranh du lịch Yên Dũng đang được tô điểm bằng những gam màu tươi sáng.

 

Báo Bắc Giang