Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Chùa Chuông

Vị trí: Thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Đặc điểm: Chùa đã từng được mệnh danh là "Chùa Chuông - Phố Hiến đẹp nhất danh lam".

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 5 khoảng 28km về phía đông, du khách sẽ tới thị trấn Phố Nối. Từ đây, đi tiếp theo quốc lộ 39 khoảng 34km về phía nam sẽ tới chùa Chuông.
 

Chùa Chuông có tên chữ là "Kim Chung Tự", tức chùa Chuông Vàng. Tương truyền, vào một năm có trận đại hồng thuỷ, một chiếc bè gỗ bị cuốn theo dòng nước trôi vào bãi sông của thôn Nhân Dục, thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, Tp. Hưng Yên).
 

Trên bè có một quả chuông vàng rất đẹp. Người dân trong vùng tìm mọi cách mang chuôn vào bờ nhưng cuối cùng chỉ có dân thôn Nhân Dục là làm được. Cho là trời phật muốn giúp đỡ, người dân trong thôn bèn góp công, góp của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Từ đó trở đi, chùa có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa Chuông Vàng).
 

Chùa Chuông được khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 15). Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa mang kiến trúc kiểu "Nội công ngoại quốc", mặt quay về hướng nam, theo quan niệm của đạo Phật là hướng gắn liền với hạnh phúc và điều thiện. Quần thể kiến trúc trong chùa được bố trí cân xứng, nằm trải dài theo một trục đường thẳng tính từ cổng Tam quan đến nhà Tổ. Cổng Tam quan có các họa tiết, hoa văn trang trí mang ảnh hưởng phong cách mỹ thuật của Trung Quốc, đặc trưng như: hình rồng được đắp nổi trên bề mặt cổng, bức phù điêu về bốn thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc... Qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh được dựng vào năm 1702, bắc ngang qua ao mắt rồng. Đi tiếp qua khoảng sân rộng sẽ đến nhà Tiền đường 5 gian 2 chái, được kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Nối giữa Tiền đường và Thượng điện là khoảng sân nhỏ có cột đá 4 mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân tu sửa chùa. Thượng điện cũng có 5 gian 2 chái, kết cấu giống Tiền đường. Bên trong Thượng điện có nhiều pho tượng đẹp như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà… Qua Thượng điện là tới hai dãy hành lang đối xứng nhau dẫn tới nhà Mẫu, nhà Tổ và lầu chuông. Ở hai dãy hành lang đó, có đặt rất nhiều bức tượng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là nhóm tượng phác họa về động "Thập điện Diêm Vương" - diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới. Tiếp đến là Bát Bộ Kim Cương, rồi đến "Thập Bát La Hán" (18 vị La Hán), Đức Ông, đứng cạnh có Già Lan - Chân Tể và cuối cùng là Đức Thánh Hiền, bên cạnh có Diệm Nhiên - Đại Sỹ.
 

Ngoài kiến trúc đẹp, bề thế, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: hoành phi, câu đối…, đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia có ghi tên những người công đức tu sửa chùa và mô tả cảnh đẹp, phố phường của Phố Hiến xưa.
 

Năm 1992, chùa Chuông đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM