Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lầu Tứ Phương Vô Sự

Vị trí: nằm trên Bắc Khuyết đài của Hoàng thành Huế.
Đặc điểm: là nơi học tập xưa kia của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn.

(TITC) - Năm 1923, để chuẩn bị cho lễ mừng thọ “Tứ tuần đại khánh tiết” của mình vào năm 1924, Vua Khải Định (1916 – 1925) đã cho xây dựng lầu Tứ Phương Vô Sự (mang ý nghĩa bốn phương yên ổn). Lầu được xây trên vị trí một ngôi đình mang tên Tứ Thông, dựng vào năm 1804 đời Vua Gia Long (1802 – 1820) với chức năng là điếm canh của cấm quân ứng trực, bảo vệ Hoàng thành. Sau đó, lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành nơi cho nhà vua và hoàng gia hóng mát, ngắm cảnh, cũng là nơi học tập hàng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.

Trải qua thời gian, chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh tàn phá, lầu Tứ Phương Vô Sự nói riêng và Bắc Khuyết đài nói chung bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2010, sau quá trình trùng tu, tôn tạo, lầu Tứ Phương Vô Sự đã được phục dựng lại đúng theo nguyên bản xưa.

Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên trục “thần đạo” tây bắc - đông nam của Hoàng thành Huế, nối thông với các công trình quan trọng nhất Đại Nội: từ điện Kiến Trung, cung Khôn Thái, điện Càn Thành, điện Cần Chánh, điện Thái Hòa đến Ngọ Môn. Đây cũng là công trình hiếm hoi của Hoàng cung quay mặt về phía bắc, và cùng với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành) làm nên một tổ hợp kiến trúc độc đáo, biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại.

Lầu Tứ Phương Vô Sự gồm hai tầng với diện tích nền 182m². Nền, tường, kĩ thuật xây dựng đều mang phong cách châu Âu. Công trình được xây hoàn toàn bằng gạch và xi măng, sàn lát gạch, trần làm bằng gỗ. Bốn mặt của hai tầng tòa lầu đều mở 2 cửa sổ và 1 cửa ra vào, tầng trên làm ban công vòng quanh, tầng dưới làm hàng hiên. Dãy hành lang có nhiều đèn theo mô típ phương Tây. Trong khi đó, mái và họa tiết trang trí lại đậm nét kiến trúc Á Đông với hình mặt trời ở giữa, hai con rồng chầu hai bên theo kiểu hồi long trên nóc, bốn bờ quyết đắp nổi hình rồng. Hai bên đông, tây của tòa lầu đều có vườn hoa kiểu mới, tuy vậy, bồn hoa vẫn đắp hình rùa (Quy) để tượng trưng cho phía bắc. Đáng chú ý là hàng sứ cổ thụ được trồng dọc theo tường phía nam trên mặt đài tựa như tấm rèm mỏng, quanh năm duyên dáng soi bóng xuống mặt hồ Kim Thủy.

Đứng trên tầng hai của tòa lầu, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả mặt bắc Hoàng thành, quan sát cuộc sống thanh bình của người dân Thành Nội Huế. Quay lại phía sau, du khách sẽ được ngắm một khung cảnh tuyệt vời với mặt nước, cây xanh và những công trình kiến trúc nhấp nhô trong Hoàng cung.

Với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách phương Đông và phương Tây, lầu Tứ Phương Vô Sự có giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật đặc sắc, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Phạm Phương

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM