Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Di tích lịch sử Lam Kinh

Vị trí: Thành Lam kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía tây.
Đặc điểm: Được xây xựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh.

Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai.

Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng tây 51km, du khách sẽ gặp chiếc "nôi vàng". Ðó là Lam Kinh, nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.

Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.

Về Lam Kinh du khách sẽ được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ Quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng và được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng; những sản phẩm nổi tiếng của Lam Kinh.

Ở xứ Thanh nguời ta không nói "đến" Lam Kinh mà thường nói "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Về Lam Kinh nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Một đêm năm Bính Thân (1416) 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.

Lam Kinh là đây chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc. Chuyện về một nhà sư già mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, 10 năm theo Lê Lợi tung hoành trận mạc, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô. Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn, người vợ Lê Lợi làm vườn bắt được quả ấn vàng có chữ Lê Lợi đề trên lưng ấn. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua một phen thoát hiểm. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa.

Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại bắt đầu. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể. Tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM