Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Chùa Đậu

Vị trí: Chùa Đậu tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đặc điểm: Là ngôi chùa không những nổi tiếng về lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, cảnh quan ngoạn mục mà còn là nơi lưu giữ những báu vật vô giá và đầy bí ẩn.

Theo quốc lộ số 1A về phía nam chừng 24km, rẽ tay phải không xa, hỏi làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, du khách sẽ tới chùa Đậu. Chùa Đậu còn có những tên gọi khác là: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà. Chùa được dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Tam quan chùa đồng thời là gác chuông có quả đại hồng chung, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) đời Tây Sơn.

Chùa còn lưu lại nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông... Ðặc biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17.

Tại đây hiện còn giữ được cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp, đầu thế kỷ thứ 3 (200 - 210). Sĩ Nhiếp là bậc hiền tài được nhân dân kính trọng tôn như Vua, nên gọi Sĩ Vương. Sách kể rằng, một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất trông tựa hình một bông sen đang nở. Lại nghe đồn năm đó như có luồng linh khí phát quang, Quách Thông trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đó là nơi đất Phật, bèn sai lập chùa để dân trong vùng làm chốn tu nguyện đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự. Chùa này chủ yếu dành cho các bậc vua chúa, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày có hội, nên gọi chùa Vua. Tại đây Bồ Tát hiện thân nữ nên gọi chùa Bà. Ngay từ khi mới lập, chùa đã nổi tiếng linh thiêng. Bậc trí sĩ tới cầu mùa màng tươi tốt, lộc lắm, hoa nhiều, quả đậu trĩu cành… từ đó dân gian còn có tên gọi là chùa Đậu (Đậu cũng có nghĩa là Thành Đạt.

Chùa được xây theo quy mô lớn trong một khuôn viên đẹp. Hồ nước trong vắt phẳng lặng, thanh tịnh. Ánh trăng dịu hiền toả sáng lung linh. Những cây đại thụ trầm mặc ưu tư trước cửa thềm. Khu chính điện thiết kế kiểu nội công, ngoại quốc. Nội công rất nguy nga lộng lẫy, cột chạm rồng nổi hoa văn bay bướm. Ngoại quốc uy nghi tráng lệ, tôn nghiêm. Để tả cảnh đẹp này, Sĩ Nhiếp đã viết:

"Đồng bằng bát ngát nẩy toà sen
Phật ngự trang nghiêm tựa động tiên
Đất phúc xây nên cung Nguyệt Điện
Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên
Lô hương khói toả tan niềm tục
Hồ ngọc trăng soi rõ cửa thiền
Công đức từ bi bao xiết kể
Công lao vô lượng lại vô biên"
(Trích sách đồng)

Đặc biệt ở đây có hai báu vật đầy vẻ thần bí mà mọi chùa khác không có. Đó là hai pho tượng, được coi như quốc bảo thiêng liêng và phật tử cung kinh như đức Phật sống. Hai pho tượng đó chính là thân xác ướp khô của hai vị thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm (nếu ghép lại sẽ là Chân Tâm).

Hơn 300 năm trước, hai Thiền sư trụ trì tại chùa này. Đó là hai bậc chân tu trí lực uyên bác. Một lần trước khi vào hầu phật đã viết lời di chúc: "Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm phật. Sau đó xác sẽ được giữ nguyên". Hết 100 ngày, các thiện tín phật tử mở cửa am bước vào thấy các thiền sư vẫn ngồi theo thế nhập thiền và có mùi cỏ thơm thoảng ra. Không ai dám đụng tới. Mấy chục năm sau áo vải bị ẩm ướt, rơi rụng, khi đó thân xác hai thiền sư chỉ còn da bọc xương. Các thiện tín đã phủ lên bằng những lớp sơn ta biến thành hai pho tượng và tồn tại cho đến ngày nay.

Thông thường, muốn ướp xác người phải cần các điều kiện như: phải có thuốc, phải rút ruột, hút óc, để xác trong hòm kín không có không khí… Năm 1983, một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã bằng phương pháp Xquang kiểm tra xác minh pho tượng thiền sư Đạo chân Vũ Khắc Minh và kết luận: không có vết đục đẽo; không có hiện tượng rút ruột, hút óc, các khớp xương dính chặt với nhau như tự nhiên vốn có, cân nặng 7kg. Các nhà khoa học đều cho rằng phương pháp ướp xác này thật tinh xảo và là một đề tài nghiên cứu, đối với họ, cho đến nay  vẫn còn là một điều bí ẩn.

Có thể nói, chùa Đậu là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta, một trong những biểu tượng sinh động, là minh chứng cho nhân cách, đạo lý và trí tuệ của cha ông chúng ta, mà không phải bất kỳ dân tộc nào cũng có được.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM