Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu

Thời gian: 1/7 dương lịch
Địa điểm: Tại cụm đền thờ, mộ nhà thơ tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Đối tượng suy tôn: Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước thế kỷ 19
Đặc điểm: Dâng hương, đọc văn tế cụ Nguyễn Đình Chiểu, ngâm thơ Nguyễn Đình Chiểu; múa lân, biểu diễn võ thuật, trống hội, hóa trang Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga …

(TITC) - Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tuy không sinh ra ở Bến Tre nhưng đã dành phần lớn cuộc đời sống và lao động nghệ thuật tại mảnh đất này. Ông vừa là thầy thuốc, nhà giáo, lại vừa là nhà thơ với nhiều tác phẩm thơ ca yêu nước đặc sắc, có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn Nguyễn Đình Chiểu, hàng năm, vào ngày 1/7 – ngày sinh của ông, nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu theo đúng nghi thức lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc. Đây cũng được chọn là Lễ hội truyền thống văn hóa của tỉnh Bến Tre nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phần lễ được tổ chức long trọng với lễ dâng hương và lễ mít tinh tại khu di tích Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được xướng lên trong không khí trang nghiêm là các hoạt cảnh diễn lại tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” nổi tiếng của nhà thơ.

Phần hội cũng không kém phần sôi nổi với nhiều hoạt động như: bốc thuốc miễn phí, thi nấu ăn, kéo co, đập niêu, biểu diễn trống hội, Liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện “Lục Vân Tiên”, ngâm thơ, múa lân, thi đấu võ thuật,…

Đến với Lễ hội truyền thống văn hoá tỉnh Bến Tre, du khách còn có dịp tham quan triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre và các tác phẩm văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng như tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp văn chương của nhà thơ.

Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức hàng năm gắn với ngày sinh của ông là một ngày hội lớn, niềm tự hào của người dân xứ dừa. Qua lễ hội nhằm tuyên truyền, học tập, kế thừa những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương.

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 01/7/1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá đau buồn, khóc thương khiến ông lâm trọng bệnh và mù cả hai mắt. Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều tầng lớp nhân dân. Năm 1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định, ông cùng gia đình xuôi về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc và tại đây đã sáng tác áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngợi ca chiến công anh hùng của những người dân ấp Dân Lân trong trận tấn công đồn Tây Dương.

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến; đồng thời sáng tác nhiều áng thơ văn bi tráng, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Ngư tiều y thuật vấn đáp. Ngày 3 tháng 7 năm 1888, sau cơn bệnh nặng, Nguyễn Đình Chiểu qua đời.

 

Phạm Phương

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM