Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên

Vị trí:  151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

Đặc điểm: Chùa có lịch sử lâu đời và gắn liền với sự thăng trầm của Kinh thành Thăng Long.

Chân Tiên là ghép hai tên địa danh của hai làng cổ Chân Cầm và Quán Chúng Tiên, thuộc khu vực ven hồ Lục Thủy xưa (nay là hồ Hoàn Kiếm)

 

Vào khoảng năm 1056, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 3 Triều Lý, trong giai đoạn “Vua giỏi tôi hiền, đất nước cường thịnh, nhân dân yên bình”. Vua Lý Thánh Tông, một bậc minh quân, sùng kính đạo Phật, cho xây dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên trên một gò cao bên bờ hồ Lục Thủy.

 

Sau năm 1057, nhà vua lại cho xây tiếp cây tháp trước chùa, tháp được đặt tên là “Bảo tháp đại thắng tự thiên” Tháp Báo Thiên nghĩa là tháp quý thông báo chiến thắng lên trời. Tháp gồm 13 tầng, cao 20 trượng, đỉnh tháp được đúc bằng đồng. Cây tháp uy nghiêm, đường bệ, vút cao trước chùa, tháp không những làm đẹp cảnh chùa mà còn là đài quan sát của Đế đô. Có thể nói tháp Báo Thiên là một trong tứ khí của kinh thành Thăng Long. “Thiên Nam tứ khí” gồm chuông Quy Điền, tượng chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên.

 

Cuối thời Trần đất nước suy tàn, các đền chùa tháp bị đạo tặc cướp phá tan hoang, công trình chùa xuống cấp, chùa được di chuyển về làng Phụng Khánh huyện Thọ Xương (nay là khu vực Hỏa Lò – Hà Nội) và lấy tên mới là Chân Tiên tự để lưu niệm địa danh nguyên thủy của chùa.

 

Vào Năm 1427, trước thắng lợi của quân dân ta chống quân xâm lược nhà Minh do Lê lợi Và Nguyễn Trãi lãnh đạo, tướng giặc là Vương Thông phải đầu hàng xin được ra làm lễ hội thề rút quân về nước. Lịch sử còn ghi lại hội thề Đông Quan đặt làm tại chùa Chân Tiên. Sau chiến thắng Lê Lợi đã tự tay viết bốn chữ vàng “Nam Phụ Nguyễn Khánh” để tặng chùa, chùa Chân Tiên hiện nay còn bảo lưu câu đối vua ban:

 

“Chân Phật xuất linh quang giá tùy lâm giai lạc giới

Tiên nhân tằng phụ khánh, gia danh triệu tích tự hoàng ân”

 

Trong chùa cũng còn có một số đồ quý như một bộ ván kinh lăng gia tâm ấn, một quả chuông đồng đúc vào thời Mạc.

 

Đến năm 1888 thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Chúng đuổi dân, và bắt nhân dân rời chùa đi nơi khác để chiếm đất xây nhà tù Hỏa Lò và Tòa Án. Chùa phải chuyển về làng Thể Giao (nay là phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành,quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Tam quan của chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, với gác chuông nằm gần mái chùa. Từ tam quan đi thẳng vào sẽ là Tiền đường với quy mô rất lớn và rộng, ngoài cửa chính Tiền đường có đặt 2 cột trụ và một lư hương bằng đá, cửa chính có bề mặt hình chữ nhật, phần dưới mở vòm cửa lớn trông thẳng vào Tiền đường. Ngoài hiên là hệ thống cột đá hình hộp chữ nhật được mài nhẵn, trên đá khắc những vế câu đối ca ngợi công đức của Phật. Phía bên trái Tiền đường là nhà thờ Tổ, đằng sau là nhà thờ Mẫu và bên phải là nơi để kinh sách của Phật.

Về nội thất các bộ vì đỡ mái, cửa võng được chạm nổi hình lá ba chẽ, nét chạm sâu và nổi khối tạo cảm giác khoẻ, vững chãi cho kiến trúc. Trên những bức cốn, được chạm trổ hình rồng phượng, hoa lá cỏ cây.

Hệ thống tượng trong chùa gồm có: tượng Phật và Tượng Mẫu được làm bằng đồng hoặc bằng gỗ. Trong chùa còn có một bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được làm bằng gỗ rất tinh xảo.

Chùa Chân Tiên do sư Thầy Thích Đàm Luận trụ trì đã kế tục các bậc tiền tổ, cao tăng trông nom và tôn tạo chùa ngày một khang trang và to đẹp hơn, là nơi đón nhân dân và khách thập phương vào lễ chùa trong những ngày rằm, mùng một và những ngày lễ lớn trong năm của đất nước.

 

Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia ngày 2/3/1990

                                                                                                                                   Bài và ảnh Huy Hoàng

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM