Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội Thập Tam Trại

Thời gian: 21/1 âm lịch

Địa điểm: Công viên Bách Thảo, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Nguyễn Quý Công người làng Lệ Mật,  có công xây dựng 13 làng trại.

Đặc điểm: Góp phần giao lưu thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng của 13 làng trại với các tiết mục lễ tế, rước kiệu của 13 làng trại, đấu võ, hát quan họ, đánh cờ…

Lễ hội Thập Tam Trại là một lễ hội lớn của 13 làng trại thuộc quận Ba Đình, để tưởng nhớ Nguyễn Quý Công, người làng Lệ Mật, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía tây kinh thành Thăng Long, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú ven kinh đô với địa danh Thập Tam Trại.

Sau khi Nguyễn Quý Công qua đời, dân làng Lệ Mật cùng dân Thập Tam Trại nhớ ơn người có công mở đất đã tôn thờ làm Thành hoàng. Hàng năm, nhân dân các phường trên đều tổ chức tưởng nhớ vào ngày sinh, ngày hóa của vị Thành hoàng làng có công mở đất, mang lại cuộc sống no đủ, yên bình cho nhân dân.

Lễ rước có đầy đủ 13 làng trại là Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Xuân Biểu, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Yên bên cạnh sự tham gia của làng trại Lệ Mật, quận Long Biên, làng trại Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa…

Lễ hội được bắt đầu từ 8 h sáng với màn diễu hành trước lễ đài. Dẫn đầu là đội trống, đội cờ, đi sau là đội lễ cờ và khối quần chúng cầm cờ hoa, tiếp là màn rước kiệu, nhẩy múa ca hát theo thứ tự của 13 làng trại với những cụ bô lão, nam nữ thanh niên trong trang phục quần áo lễ truyền thống. Đoàn sẽ rước qua cổng làng Ngọc Hà, diễu hành trên đường Ngọc Hà – Hoàng Hoa Thám trở lại và đi vòng quanh hồ trong Bách Thảo.

Lễ hội cũng đã được mở rộng với nhiều tiết mục đặc sắc như màn biểu diễn múa quạt dưỡng sinh được thực hiện bởi 100 cụ bà. Nối tiếp chương trình là màn biểu diễn võ thuật với 100 võ sinh trình diễn. Kết thúc phần biểu diễn diễu hành là màn Ngũ Long (5 rồng) với đầy đủ mầu sắc múa lượn biểu diễn đẹp mắt.

Trong chương trình lễ hội cũng không thể thiếu các trò chơi dân gian như, đánh cờ người, chọi gà, đập niêu đất, đánh đu tre. Nhiều hoạt động như hội thi, trưng bày cây cảnh, bày mâm cỗ hoa quả, biểu diễn dân ca trên thuyền, ca trù, dân ca, hát chèo. Tiết mục cuối cùng kết thúc lễ hội cũng chính là tiết mục được mọi người xem đông đảo và thích thú nhất là tiết mục “Chém rắn” của làng Lệ Mật.

Lễ hội Thập Tam trại không chỉ mang tính địa phương nhằm tôn vinh tưởng niệm ghi nhớ công ơn người đã có công với dân, cũng là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, cũng là dịp ôn lại trang sử dựng làng trại đầy gian nan thử thách, góp phần giao lưu thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng của 13 làng trại, tình gắn bó quê hương, mảnh đất nơi sinh ra những con người siêng năng và tạo cho họ bản lĩnh can trường mang đậm truyền thống Thăng Long – Hà Nội.

Lễ hội Thập Tam Trại quận Ba Đình là một sự kiện văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại là dịp thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trực tiếp tham gia, thể hiện sinh động và thụ hưởng văn hóa.

Lễ hội truyền thống của các địa phương quận Ba Đình trong sự giao lưu hội tụ, tạo sức mạnh đoàn kết, lan tỏa, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc với truyền thống ngàn năm văn hiến, tri ân các bậc tiền nhân, tôn vinh quảng bá hình ảnh văn hóa Thập Tam Trại với nhân dân Thủ đô, đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh Huy Hoàng

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM