Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội đình Phú Gia

Thời gian: 08 - 11/1âm lịch
Địa điểm:  Đình Phú Gia, làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng Trần Khai Nguyên.
Đặc điểm: Lễ tế thần, dâng hương,  rước kiệu, thổi xôi, ca hát, đấu võ, chọi gà ...

Đình Phú Gia thờ Thành hoàng làng Trần Khai Nguyên, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ nước. Tương truyền, ngài còn có công trị nạn hồng thuỷ, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành và được vua ban 12 đạo sắc, phong làm Thành hoàng làng với 12 chữ “ Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”. Cứ đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công ơn của Ngài.

Lễ hội đình Phú Gia được tổ chức trong bốn ngày, từ 08 đến 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều nhân dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự.

Chương trình lễ hội được diễn ra như sau:

Ngày 08/1:

Từ sáng sớm, các cụ ông trong đội tế lễ làm lễ Bao Sái, Mộc Dục tượng và đồ thờ cúng. Buổi chiều làm lễ khai mở cửa đình và phát trang phục để chuẩn bị cho những ngày lễ hôm sau.

Ngày 09/1:

Từ lúc 7h sáng, màn dâng lễ đã được thực hiện với sự tham gia của các cụ ông, cụ bà trong trang phục lễ hội cổ truyền cùng nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Nghi lễ rước nước từ đình xuống bến được tiến hành ngay sau đó. Đoàn rước bao gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội khiêng chĩnh (chóe) để đựng nước; 2 đội nhạc lễ: bát âm, đồng văn (trống); đội cấm vệ quân hầu Thánh sẽ lần lượt xuống thuyền, rồi từ từ chèo ra giữa sông Hồng để lấy nước. Nước lấy về dùng để làm lễ Bao sái, Mộc Dục cho những ngày lễ khác trong năm. Sau khi lễ rước nước kết thúc, các sư trong chùa sẽ làm lễ tụng kinh.

Buổi chiều, lễ tế Nhập tịch (tế Túc yết) do các cụ tế nam đảm nhiệm được tiến hành.  Sau đó, các dòng họ, gia đình trong làng dâng đồ lễ Thánh.

Ngày 10/1: (Ngày chính hội)

Buổi sáng, các đoàn và nhân dân vào dâng hương lễ thánh. Tiếp theo, đội tế nam của làng vào tế Nhập tịch.

Buổi chiều, nghi lễ được tiếp tục với lễ dâng hương của đội tế nữ trong làng. Sau đó, nhân dân và khách thập phương vào lễ Thánh. Cuối cùng, màn tế đêm chung do đội tế nam đảm nhiệm được tiến hành vào lúc xế chiều.

Ngày 11/1:

Từ 8h sáng, dân làng và các đội tế tập trung tại sân đình để cùng chứng kiến lễ tế hạ hội, kết thúc lễ hội đình Phú Gia.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi đấu cờ tướng,  kéo co, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, thi chọi gà, tổ tôm điếm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ ...

(Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM