Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Đình Chu Quyến

Vị trí: Làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội
Đặc điểm: Đình thờ Thành Hoàng làng Nhã Lang Vương và là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê.

Đình Chu Quyến được xây dựng từ thế kỷ 17, trên tổng diện tích 1.210m², thờ Thành Hoàng làng Nhã Lang Vương. Nhã Lang Vương là con trai của Lý Phật tử (571-602). Sau khi giúp cha đánh thắng quân của Triệu Việt Vương (548-571), Nhã Lang Vương từ chối ngôi Đông Cung Thái Tử, cùng mẹ về quê ngoại sinh sống (địa phận làng Chu Quyến bây giờ), rồi sau đó hóa Thánh tại đây. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Đình Chu Quyến tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê, chỉ có duy nhất một tòa đại đình ba gian hai chái, diện tích 395m²; trong đó, Hậu cung - nơi thờ Nhã Lang Vương, được bố trí ngay tại Chính điện. Bộ khung cột đình có kết cấu kiểu “Thượng thu Hạ thách” với 6 hàng cột gỗ lim, trong đó có 2 hàng cột cái (đường kính từ 60 đến 81cm), 2 hàng cột quân (đường kính 50cm) và 2 hàng cột hiên (đường kính 50cm). Hai hàng cột hiên đỡ hệ thống kẻ bẩy (kẻ hiên) ở 4 phía mặt đình. Các kẻ hiên nối liền với nhau và gác lên các cột quân. Nối giữa các đỉnh cột quân và cột cái là các rường cột và nối giữa các cột cái với nhau là hệ thống xà, vì kèo, giá chiêng kiểu chồng rường con nhị.

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện trên gỗ và đất nung. Trên hệ thống khung gỗ kẻ bẩy, rường cột, ván nong,... có chạm khắc tinh xảo những hình ảnh miêu tả cuộc sống hàng ngày của người nông dân như: làm ruộng, chơi chọi gà, gảy đàn, múa hát, cưỡi ngựa… và các linh vật như: rồng, phượng. 4 góc mái đình được uốn cong hình đầu đao. Trên các bờ nóc, góc mái có gắn tượng các con vật như: con sô, con kìm nóc (cá hóa rồng)… bằng đất nung. Trên bờ guột có chạm khắc hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng lân, rồng hướng về các đao lửa.

Nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc cổ đánh giá: Các hình chạm trang trí ở đình Chu Quyến được bố trí rất cầu kỳ với những mảng chạm nông xen với chạm "lộng”, chạm “kênh” đã tạo ra nhiều lớp hình khối có giá trị nghệ thuật cao.

Giá trị văn hóa, lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở một số di vật cổ còn được lưu giữ đến tận ngày nay, đặc biệt là 15 đạo sắc phong do triều đình Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn phong cho Nhã Lang Vương.

Hàng năm, cứ vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội đình Chu Quyến để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức chính được tổ chức trang trọng, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia như: đánh cờ, vật dân tộc, múa hát…

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của đình Chu Quyến, từ năm 2007 đến năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo đình Chu Quyến. Sau khi dự án hoàn thành, đình đã đoạt giải thưởng của Hiệp hội kiến trúc sư quốc tế (UIA) về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là công trình kiểu mẫu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng những tiêu chí trùng tu cho các di tích khác.

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 32 khoảng 60km đến Phố Nả (xã Chu Minh, huyện Ba Vì); rẽ phải đi tiếp khoảng 0,5km nữa là đến đình Chu Quyến.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM