Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội đình làng Trung Kính Thượng

Thời gian: 10 - 17/2  âm lịch  (14/2 là chính hội)

Địa điểm:  Đình làng Trung Kính Thượng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Quốc Vương Đại Thần Hùng Công

Đặc điểm: Lễ mộc dục, tế lễ, phong áo Thánh, chọi gà, chơi cờ…

Đình Trung Kính Thượng nằm ở giữa làng Trung Kính Thượng thờ Đức Quốc Vương Đại Thần Hùng Công. Ngài thuộc dòng dõi Tôn Thất Hùng Vương, là lạc tướng của Hùng Triều, cai quản Ô Châu. Ngài sinh ngày 14 tháng 2 năm Đinh Mùi, là một người thông minh, văn võ song toàn. Nhân lúc nước nhà bị giặc xâm lăng, ngài được lệnh vua đem quân đi phòng bị, đi qua làng Kính Chủ được nhân dân đón tiếp nồng nhiệt và có thêm 142 trai làng xin đi tòng quân chống giặc. Thấy địa hình thuận lợi, nhân dân thuần hậu, Ngài truyền quân dân thiết lập đồn trại.

Giặc từ phương Bắc kéo sang, vua Hùng ban lệnh cho Phò mã Tản Viên và Ngài cầm quân đi đánh giặc, chỉ một trận đánh tan quân giặc. Vua Hùng ban thưởng cho Ngài là Bảo Quốc Hầu, lập dinh ở đất Kính Chủ, ban thêm tên cho làng Kính Chủ là Hộ Nhi Hương để ghi nhận công lao với đất nước. Mấy năm sau giặc lại kéo quân xâm lấn, Vua lại ban lệnh cho Phò mã Tản Viên và Ngài đem quân đi đánh giặc. Trận đánh đại thắng thu được ấn tín của tướng giặc, vua phong Hùng Công là Bảo Quốc Công. Về đến đất Hoan Châu ngày 12 tháng 10, Hùng Công tự nhiên bị bệnh mà mất. Vua Hùng được tin vô cùng thương tiếc, lệnh triều đình cử người về hành lễ chí tế, ban cho mũ áo để phụng thờ, phong ngài là Quốc Vương Đại Thần, cho nhân dân lập đền thờ tại đồn doanh gọi là Tối Linh từ và thờ phụng đời đời. Sau này dân chúng xây dựng thành đình làng, ngoài ra còn 17 nơi trong nước có đền thờ Ngài. Các triều đại sau này đã ban cho Ngài 14 đạo sắc phong và cho tu sửa đình để nhân dân thờ phụng.

Lễ hội được tổ chức trong 7 ngày cùng với rất nhiều nghi lễ cầu kì mang đậm mầu sắc truyền thống của dân tộc và có sự tham gia của nhiều làng lân cận.

Ngày 10/2: Sáng, làm lễ Mộc dục, bao sái, sau đó là lễ phong áo Thánh. Buổi chiều biểu diễn văn nghệ và các trò hội.

Ngày 11/2: Sáng, làm lễ tả văn. Chiều lễ tế yết sau đó đoàn lễ đi thắp hương ở Đài tưởng niệm các liệt sỹ.

Ngày 12/2: Sáng, làm lễ tế nhập sau đó là dân chúng vào lễ thánh và các tiết mục biểu diễn văn nghệ.

Ngày 13/2: Lễ dâng hương của các làng lân cận vào lễ Thánh.

Ngày 14/2: Là ngày chính hội được diễn ra từ 3h sáng với màn lễ tế đản của các cụ bô lão trong làng trong không khí trang nghiêm. Các dòng họ và các gia đình dâng lễ Thánh. Tiếp đó là lễ dâng hương của nhóm tế nữ thực hiện. Buổi chiều được diễn ra với dâng hương lễ Thánh của nhân dân và khách thập phương xa gần và các trò chơi và biểu diễn văn nghệ của làng.

Ngày 15/2: Sáng, được bắt đầu với lễ tế xuất do đội tế của làng thực hiện, sau đó thời gian dành cho nhân dân trong làng và khách thập phương vào lễ Thánh.

Ngày 16/3: Buổi sáng, đây là ngày cuối cùng của lễ hội được diễn ra với lễ giải y và hạ cờ hội do các cụ bô lão trong đội tế nam và tế nữ thực hiện, cùng sự tham gia của dân làng và các khách mời của các làng phụ cận, kết thúc những ngày lễ hội của làng.

Trong ngày lễ có các tiết mục văn nghệ của dân làng trình diễn và các trò chơi do làng tổ chức như hát quan họ, hội thi cờ tướng, chọi gà …

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM