Tăng cường “kết nối” du lịch giữa Thanh Hóa và Ninh Bình
Cập nhật: 04/08/2014
(TITC) - Trong khuôn khổ chương trình Khảo sát tuyến điểm du lịch Ninh Bình - Thanh Hoá, sáng 02/8 tại thành phố Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm công tác tuyên truyền quảng bá về Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa và DSTG Tràng An - Ninh Bình.
 

Tham dự tọa đàm có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn; đại diện các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho thấy những chuyển biến, đổi thay tích cực về diện mạo cũng như cách làm du lịch của hai địa phương (đặc biệt là Sầm Sơn, Thanh Hóa), đồng thời tập trung phân tích, đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa về công tác tuyên truyền quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển du lịch, kết nối các di sản thế giới giữa hai địa phương và cả nước, cũng như các giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch ngày một tốt hơn…

Thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Vương Văn Việt cho biết, để chuẩn bị tốt cho Năm Du lịch Quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", từ nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hàng loạt các chủ trương, giải pháp, kế hoạch đồng bộ cho phát triển du lịch. Đến nay Thanh Hóa đã xây dựng được 25 qui hoạch phục vụ cho phát triển du lịch, kêu gọi được 66 dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với tổng vốn đăng ký 23.280 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 672 cơ sở lưu trú với 14.000 phòng (trong đó có 85 CSLT được xếp hạng từ 1-4 sao), 50 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (trong đó có 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, nâng cấp website du lịch Thanh Hóa bằng các ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian vừa qua là cải thiện môi trường du lịch tại Sầm Sơn đã được các cấp chính quyền quyết liệt triển khai, bằng cách lắp đặt thông báo nội quy, qui chế và thông tin số đường dây nóng ở khắp nơi để du khách phản ánh tình hình nâng giá, ép giá dịch vụ, bắt chẹt du khách… đồng thời bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải niêm yết công khai giá cả dịch vụ, nếu vi phạm sẽ bị các lực lượng chức năng xử lý triệt để. Kết quả bước đầu đã đẩy lùi, kiểm soát chặt chẽ được các tệ nạn xã hội, tạo ra một diện mạo mới và niềm tin mới cho du khách khi đến với Thanh Hóa. Mục tiêu của du lịch Thanh Hóa trong năm 2015 sẽ đón được 5,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 125.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng.

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã phối  hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa để chuẩn bị cho các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2015 cũng như tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình đến với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua chuyến khảo sát này, Tổng cục Du lịch mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí có thêm những trải nghiệm mới và nhận ra sự khác biệt tại mỗi điểm đến và có ý kiến đóng góp cho tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình để tổ chức tốt cho NDLQG 2015, phát huy giá trị của các di sản, cũng như trong hoạt động liên kết, kích cầu du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế... Riêng tỉnh Thanh Hóa, cần chú trọng tập trung phát triển du lịch cho các điểm trọng tâm như Sầm Sơn, Lam Kinh, Hàm Rồng và Thành nhà Hồ để tạo ra diện mạo mới cho du lịch Xứ Thanh chứ không nên đầu tư một cách dàn trải.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ một lần nữa khẳng định “kết nối” là chủ đề chính của buổi tọa đàm, đồng thời “kết nối” sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch. Do đó chúng ta cần phải tăng cường kết nối giữa kinh tế với văn hóa, trung ương với địa phương, địa phương với địa phương, du lịch với truyền thông, giao thông với thông tin và dịch vụ du lịch, cư dân với các đơn vị làm du lịch… Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu kỹ Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó có nhiều nội dung, quan điểm mới về phát triển du lịch để hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển du lịch, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền các cấp và dành nhiều ưu đãi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời yêu cầu các cơ quan truyền thông cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá cho phát triển du lịch trong thời gian tới./.

Thế Phi