Khu du lịch làng lụa Hội An sẽ là nơi gặp gỡ của các làng lụa tiêu biểu cả nước
Cập nhật: 27/12/2014
(TITC) - Cách trung tâm phố cổ Hội An hơn 1km về phía tây bắc, làng lụa Hội An (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) được coi là “bảo tàng sống” về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại miền Trung Việt Nam. 

Nơi đây có đền thờ Bà chúa tằm Đoàn Thị Ngọc (1601-1661), bà tổ nghề tơ tằm xứ Quảng. Trong đền thờ có không gian trưng bày các mẫu trang phục lụa của các dân tộc Việt Nam cùng phong cách thời trang lụa qua các thời kỳ. Ngoài đền thờ Bà chúa tằm, làng lụa Hội An hiện còn lưu giữ hơn 40 gốc dâu hàng trăm năm tuổi, các nguồn gen quý về dâu tằm, giống tằm. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động nghề, sản xuất lụa tơ tằm ở Quảng Nam, đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế và đông đảo khách du lịch với nhiều dịch vụ như mua sắm tơ lụa, may đo tại chỗ, thưởng thức buffet gánh, cơm niêu…

Theo kết quả bình chọn của du khách trên trang mạng du lịch Trip Advisor của Mỹ, làng lụa Hội An là điểm đến hấp dẫn thứ 3 tại Hội An (sau chùa Cầu và nhà cổ). Điểm đến này được đánh giá cao bởi đã phục dựng được các yếu tố tạo thành làng dệt cổ truyền, từ kiến trúc làng Việt đến việc sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật của nghề dệt tơ lụa và các giống dâu cổ của người Chăm...

Vào ngày 28/12 tới, tại khu du lịch làng lụa Hội An sẽ diễn ra  Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam do Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam tổ chức, quy tụ sự tham gia của các làng lụa tiêu biểu trên cả nước như: Vạn Phúc, Phùng Xá (Hà Nội); Nha Xá (Hà Nam); Mã Châu (Quảng Nam); Bảo Lộc (Lâm Đồng); làng Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) và Tân Châu (An Giang). Đây là dịp để các làng lụa trưng bày sản phẩm, giới thiệu và trình diễn công nghệ dệt truyền thống; đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, nhà sản xuất, nhà thiết kế đã nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề sản xuất tơ lụa.  

Đến với ngày hội, người dân và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương Bà chúa tằm; triển lãm 500 sản phẩm tơ lụa của các làng nghề tiêu biểu; trình diễn kỹ thuật dệt lụa Bắc Bộ, Trung Bộ và Chăm; trình diễn thời trang áo dài lụa và ca múa nhạc cổ truyền Việt - Chăm; phiên chợ ẩm thực; giao lưu với các nghệ nhân và chuyên gia tơ lụa... Ngoài ra, du khách cũng sẽ có dịp thưởng lãm các sản phẩm lụa truyền thống và tiêu biểu của Hội Tơ lụa Kyoto (Nhật Bản) và nhiều làng nghề nổi tiếng tại các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Lào, Indonesia, Nhật Bản... 

Phạm Phương