Toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch
Cập nhật: 10/03/2015
Trong hai ngày ngày 6 và 7/3 tại TP. HCM đã diễn ra Hội thảo du lịch quốc tế “Toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch” (Saigonact phối hợp cùng Đại học Lille 3 (Pháp) tổ chức) với sự tham gia của gần 200 GS, TS, nhà quản lý du lịch, các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế.
 
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại buổi họp

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon đã đến dự Lễ khai mạc chương trình. 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực quan tâm, chỉ đạo ngành du lịch phát huy tối đa những tiềm năng của con người và thiên nhiên, lợi thế về biển, đảo, các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năm 2014 ngành du lịch đã đón tiếp và phục vụ trên 7,8 triệu lượt khách quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 230 nghìn tỉ đồng... Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ thành thị đến nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi, cao nguyên. Sự phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư và xã hội.

Qua đó cho rằng để du lịch góp phần cải thiện cuộc sống, cần có sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các nước cùng với sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực như UNDP, UNESCO, World Bank, ADB... Đồng thời hy vọng, những ý tưởng, sáng kiến tại hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác du lịch trong và ngoài khu vực, để du lịch thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết thông qua các chương trình trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia, ngành du lịch hai nước đã có những gắn kết mật thiết như góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Campuchia, xây dựng thị trường du lịch chung giữa hai nước, tạo điều kiện về miễn visa cho du khách khi nhập cảnh vào Việt Nam, Campuchia… giúp lượng khách giữa các bên phát triển mạnh. Giữa Campuchia và Việt Nam có quan hệ truyền thống lâu đời, luôn luôn bền chặt. Quan hệ này sẽ làm tăng thêm sức mạnh hội nhập cho ASEAN, là yếu tố cơ bản cho cộng đồng kinh tế khu vực…

Nổi bật tại hội thảo là nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu về toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch trong các lĩnh vực lữ hành, nguồn nhân lực… để du lịch Việt phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Theo đó, toàn cầu hóa và địa phương hóa là xu hướng đồng thời đang diễn ra, đặc biệt các điểm du lịch mới nổi. Cụ thể như những vùng nông thôn nước ta có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đang đứng trước nhiều thách thức như: cạnh tranh giữa doanh nghiệp bản địa với doanh nghiệp bên ngoài, khó giữ được bản sắc, yếu tố độc quyền địa phương, quy mô tầm nhìn hạn chế, tư duy tiểu nông dẫn tới khó liên kết trong chuỗi dịch vụ du lịch... Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tăng cường năng lực cho nông dân phát triển du lịch nông thôn, du lịch dựa vào cộng đồng, có như vậy du lịch nông thôn nước ta mới tạo nên được bản sắc riêng và hội nhập, bắt kịp cùng các nước trong khu vực.

Đối với hoạt động lữ hành, PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, trước hết cần nâng cao nhận thức xã hội về các cơ hội và nguy cơ của hội nhập quốc tế đối với phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.

Điều này sẽ giúp nước ta có được kế hoạch trước mắt và lâu dài để thích ứng với lộ trình hội nhập mà du lịch Việt đã cam kết. Bên cạnh đó, để đối phó với sự cạnh tranh từ doanh nghiệp lữ hành gửi khách nước ngoài, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn tự do hóa thị trường du lịch khi gia nhập WTO là trở thành các đối tác, liên minh chiến lược của các hãng lữ hành lớn và nổi tiếng trên thế giới dưới hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, xem đây là một con đường để thâm nhập thị trường và phát triển nguồn nhân lực.

Toàn cảnh buổi họp

Để làm được điều này, các công ty cần vượt qua rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý theo mục tiêu dài hạn, cũng như đầu tư mạnh tay để áp dụng các công nghệ du lịch tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông vào hoạt động kinh doanh trực tuyến để marketing, quảng bá sản phẩm du lịch có hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Về vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, PGS.TS Vũ Đức Minh - Văn phòng Chính phủ và Thạc sĩ Dương Hồng Hạnh - giảng viên trường Đại học Thương mại đưa ra dự báo tổng nhu cầu trực tiếp làm việc của ngành trong năm 2015 ước cần 620 ngàn người với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2015 là 6,2%. Năm 2020 ngành du lịch cần khoảng 870 ngàn lao động, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 là 7%.

Trong đó các khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ĐBSCL và Tây Bắc sẽ rất cần nguồn nhân lực du lịch lành nghề, tăng cả số lượng lẫn chuyên môn. Qua đó cho rằng nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại nước ta từ nay đến năm 2020 là cực kì quan trọng, các ban ngành liên quan cần phải sớm phối hợp, xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai, áp dụng một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương..., có như vậy khi quá trình hội nhập mạnh mẽ thời gian tới, đội ngũ nhân lực du lịch nước ta mới không bị khu vực chèn ép.

Tại chương trình, các GS, TS đến từ các trường đại học Pháp, châu Âu, Campuchia đã cùng chia sẻ về kinh nghiệm mô hình du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa, cách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong quá trình gắn kết, phát triển du lịch tại nhiều vùng đất trên thế giới. Đối với Việt Nam, các chuyên gia góp ý, toàn cầu hóa không chỉ có nghĩa là du lịch toàn cầu mà còn phải phát triển du lịch theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

Quá trình này muốn đạt hiệu quả, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa thương hiệu du lịch nước nhà, tăng cường tính cạnh tranh và hợp tác đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này thể hiện ở cách phục vụ, chất lượng phòng ốc và quan trọng hơn hết chính là tôn trọng những giá trị chung, trong đó thái độ đối với văn hóa và môi trường sinh thái là yếu tố quan trọng nhất...

Báo Văn hóa