Lào Cai: Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận ruộng bậc thang Sa Pa là di sản văn hóa quốc gia
Cập nhật: 23/07/2009
Ngày 20/7/2009, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, đã chỉ đạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh và Đội quản lý dự án tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận ruộng bậc thang Sa Pa là di sản văn hoá cấp quốc gia.

Theo đó, các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát ruộng bậc thang của người Dao, người Mông, người Giáy ở các xã Trung Chải, Hầu Thào, Tả Van và Suối Thầu của huyện Sa Pa. Thời gian đến cuối năm nay sẽ hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ văn hoá - Thể thao và Du lịch xem xét.

Ông Lò Diếu Phú, 42 tuổi, người dân tộc Dao, chủ nhân của dải ruộng bậc thang kỹ vĩ ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải - một trong những kỳ tích ruộng bậc thang đẹp nhất Sa Pa hiện nay cho biết, khu ruộng này có từ đời cụ nội truyền lại, khoảng trên 100 năm. Dải ruộng này bao gồm 121 bậc, từ chân núi đến đỉnh hơn 1km, uốn lượn như chiếc thang mây bắc lên trời.

Khi tạo ra những thửa ruộng bậc thang này, người Mông, người Dao, người Giáy chỉ nghĩ rằng mình làm như thế là hiệu quả nhất trong việc canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, do đồi núi có độ dốc cao, địa hình lại quanh co, nên những thửa ruộng bậc thang đã uốn khúc một cách rất mềm mại. Mỗi mùa, ruộng bậc thang lại tạo ra những bức tranh với những mảng màu sắc riêng. Vụ gieo trồng ruộng bậc thang vừa có màu xanh của mạ non vừa có màu trắng bạc của nước. Mùa thu hoạch đến, ruộng bậc thang “biến” trái núi thành một rừng vàng óng mượt. Và vẻ đẹp của ruộng bậc thang còn biến hóa hơn khi người Mông, người Dao, người Giáy luân phiên canh tác, luân phiên thu hoạch các loại cây trồng...


Mô tả về ruộng bậc thang Trung Chải, Tạp chí Travel and Leisure viết: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời của những thửa ruộng bậc thang, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của Việt Nam”.

Ngoài khu ruộng bậc thang Trung Chải của người Dao, hệ thống ruộng bậc thang của người Mông và người Giáy, từ suối Mường Hoa lên lưng chừng núi Hoàng Liên có diện tích gần 10km vuông. Ở vùng này, vẻ đẹp của ruộng bậc thang càng được nổi bật nhờ không gian cảnh quan rộng, du khách không bị che khuất tầm mắt.

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: “Các ruộng bậc thang là sự ứng xử của người Mông, người Dao, người Giáy với loại hình canh tác trên đất dốc. Ruộng bậc thang là thành tựu cả về mặt văn hóa lẫn tri thức dân gian, đã phát huy tác dụng, tạo ra sản xuất lúa nước ở vùng cao”.
Báo Nhân Dân