Tuần trước, khách đăng ký tour tham dự SEA Games 30 tại các công ty du lịch lớn liên tục tăng. Không khí thể thao dường như len lỏi ở khắp Bắc-Trung-Nam càng là động lực để những người làm du lịch Việt hướng đến phát triển sản phẩm du lịch gắn với thể thao.
Trước ngày bóng lăn trong trận chung kết bóng đá nam, các công ty du lịch Việt Nam như HanoiRedtours, Vietravel… càng hào hứng bởi lượng khách quan tâm, đăng ký tour đến Manila (Philippines) đông vui, phấn chấn. Theo các chuyên gia, các sự kiện thể thao gắn với du lịch mang lại doanh thu du lịch đáng kể cho các quốc gia, thậm chí có nước còn chiếm đến 50% doanh thu du lịch. Tại Việt Nam, các sự kiện thể thao lớn ngày càng góp phần quan trọng trong việc mang về doanh thu cho ngành du lịch. Cùng với việc đưa khách đi, nhiều công ty lữ hành cho rằng, qua những sự kiện thể thao cho thấy nhu cầu du lịch thể thao là xu hướng du lịch chung của thế giới, không chỉ dành cho khán giả Việt. Nếu có kế hoạch cụ thể, dài hơi thì các sự kiện thể thao trong nước cũng có thể thu hút được lượng khách du lịch quốc tế tương tự.
Sân gôn Bà Nà Hills Golf Club (Đà Nẵng)-một trong những nơi thu hút nhiều khách quốc tế cao cấp. Ảnh: Hoàng Giang
Đón đầu xu hướng, thời gian qua, chúng ta đã tổ chức khá nhiều hoạt động thể thao từ lớn tới nhỏ, thu hút du khách tham dự. Với du khách, du lịch đến một thành phố mới không chỉ là trải nghiệm ẩm thực, văn hóa mà còn kết hợp cả khám phá thiên nhiên, gắn liền với các hoạt động leo núi, chạy bộ, tham gia các hoạt động thể thao sôi động tại điểm đến. Nhiều sự kiện thể thao đã phần nào có uy tín với du khách quốc tế. Đặc biệt, năm 2019 là một dấu mốc ấn tượng đối với các sân golf và du lịch golf Việt Nam. Năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam được tổ chức “Giải thưởng golf thế giới” (World Golf Award), giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch golf vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”. Hơn thế, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua 7 quốc gia được đề cử khác để nhận danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất thế giới”… Đây là tín hiệu đáng mừng bởi theo ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh các dòng sản phẩm chính là du lịch biển, đảo, văn hóa, di sản, sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, hướng tới thị trường khách có khả năng chi trả cao là yêu cầu cần thiết hiện nay. Do đó phát triển sản phẩm du lịch golf là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay nhằm phát huy lợi thế riêng có của Việt Nam”.
Dù đã bước đầu có một số kết quả khả quan nhưng cũng phải nói rằng, các tour du lịch kết hợp thể thao là loại hình khá kén khách, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm điều hành của nhà tổ chức. Không chỉ chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện, với các tour du lịch thể thao còn đòi hỏi sự nhuần nhuyễn, trơn chu cả ở những khâu hậu cần, tiếp đón, tổ chức ăn ở, đi lại… Chúng ta cần có sự hợp tác giữa ngành thể thao và du lịch để thu hút và làm hài lòng du khách quốc tế, tăng giá trị các điểm đến của Việt Nam.
Hiền Vinh