60 năm Du lịch Việt Nam: Tháo gỡ rào cản thời kỳ đầu mở cửa
Cập nhật: 25/09/2020
(TITC) – Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng để có được quy mô và vị trí như hiện nay. Để có được kết quả đó, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Du lịch đã vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, đặc biệt trong thời kỳ đầu của quá trình phát triển.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Đỗ Quang Trung

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Đỗ Quang Trung (giai đoạn 1992-1996) đã có những chia sẻ về một số khó khăn trong thời kỳ đầu mở cửa: “Có một việc mà bây giờ nói lại thì nghe có thể rất lạ, nhưng mà khi đó khách nước ngoài, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đi các tỉnh phải có giấy giới thiệu”. Tổng cục Du lịch và Bộ Nội vụ khi đó đã có một Thông tư để tháo gỡ khó khăn này, đồng thời cải tiến từng bước về thủ tục xuất nhập cảnh đón khách du lịch.

Video clip phát biểu của của Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Đỗ Quang Trung. Nguồn: VTV

Một số khó khăn đối với sự phát triển của ngành du lịch trong thời kỳ đầu

Năm 1960 đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam với việc Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 26 CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Công ty có nhiệm vụ kinh doanh phục vụ khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam, khách trong nước đi du lịch nước ngoài và phục vụ các đoàn thể, nhân dân Việt Nam đi tham quan, nghỉ mát trong nước.

Tuy vậy, về nhận thức xã hội, du lịch chưa thực sự được coi là một ngành kinh tế mà  coi đó là một ngành phục vụ. Theo quan niệm cũ những ngành không trực tiếp sản xuất ra hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội thì không được coi là một ngành kinh tế. Do đó ngành du lịch thường không được đặt đúng với vị trí, vai trò của nó trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trước năm 1994 chưa có một Nghị quyết chuyên đề của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch. Trước năm 1999, du lịch Việt Nam chưa có một quy định pháp lý một cách hệ thống để quản lý và định hướng phát triển du lịch lâu dài.

Về mặt tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có nhiều lần thay đổi về mô hình, sáp nhập, chuyển đổi cơ quan quản lý nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định, phát triển của ngành.

Về các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch trong giai đoạn đầu cũng rất hạn chế. Từ năm 1990 trở về trước, kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, ngành Du lịch có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng, việc mở rộng đầu tư phát triển có quy mô rất hạn chế.

Ruộng bậc thang, Y Tý - Lào Cai. Ảnh: Thế Phi

Từng bước tháo gỡ khó khăn cho du lịch phát triển

Bước vào thời kỳ đổi mới với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Cụ thể, vào tháng 10/1994, Chỉ thị 46-CT/TW do Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII ban hành đã khẳng định “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nuớc”. Với Chỉ thị này, vai trò của du lịch đã được nhìn nhận và đặt ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược trong nền kinh tế.

Đặc biệt, Thông báo kết luận số 179-TB/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trong tình hình mới” là văn bản rất quan trọng tạo bước ngoặt cho sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.

Chỉ sau một thời gian ngắn, việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận 179-TB/TW của Bộ Chính trị đã mang lại những kết quả rất quan trọng: lần đầu tiên ra đời Pháp lệnh Du lịch (năm 1999); thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch (năm 1999); ra đời Chương trình Hành động quốc gia về du lịch (năm 2000); lần đầu tiên có Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010; và những năm sau đó là Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch… Đây là những kết quả then chốt để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo.

Quan điểm và định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế quan trọng tiếp tục được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tiếp theo tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Quần thể khách sạn FLC Quy Nhơn. Ảnh: Thế Phi

Đến ngày 16/01/2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chuyển đổi tư duy, nhận thức về phát triển du lịch cùng sự nỗ lực của toàn Ngành, đến nay du lịch đã từng bước khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong thời gian qua, lượng khách quốc tế tới Việt Nam không ngừng tăng lên, nhất là trong 5 năm trở lại đây, tốc độ bình quân tăng trưởng mỗi năm đạt 22,7% đạt hơn 18 triệu lượt.

Nhìn lại lịch sử để thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi là yếu tố quyết định cho du lịch phát triển. Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh mới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong thời gian tới, những chính sách, giải pháp cụ thể được kỳ vọng tiếp tục được ban hành để du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Trung tâm Thông tin du lịch