Quảng Ninh: Tăng sức hút cho du lịch
Cập nhật: 21/02/2024
Đặt mục tiêu phát triển du lịch không mùa vụ, thành phố nỗ lực tạo sức hút cho các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Năm 2024 cách làm của Uông Bí là hình thành những sản phẩm du lịch mới, làm mới những sản phẩm du lịch đã có.

Năm nay Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị khai thác dịch vụ tại Yên Tử, đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách lên đỉnh chùa Đồng. Một trong những cơ sở của con số này là Dự án Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, trở thành nét mới, điểm nhấn của Yên Tử trong năm nay.

Du khách dự chương trình Làng Việt - Tết xưa ở Yên Tử. Ảnh Thanh Hoan (CTV)

Theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty, đến thời điểm này các điều kiện về nguồn lực tài chính và đơn vị thi công đã được thảo luận và thống nhất. Riêng về thiết kế bảo tàng được các đơn vị chuyên môn có tiếng trong và ngoài nước đảm nhiệm, đảm bảo công trình vừa chuyển tải nội hàm đậm nét văn hoá nhà Trần, dòng thiền Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông, vừa tạo cho người xem cách tiếp cận hiện đại và thu hút.

Để làm giàu thêm giá trị cụm di tích này, thành phố đang triển khai công trình Nhà trưng bày dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công. Khe Sú là vùng trung tâm cư trú của đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử. Nhà trưng bày được kỳ vọng là công trình làm giàu giá trị văn hoá bản địa tại vùng di tích Yên Tử. Dự án đã được khởi động với việc sưu tầm các giá trị truyền thống về trang phục, ẩm thực, các điệu hát xướng, nhạc cụ, các lễ hội...

Một trong những ý tưởng làm mới sản phẩm du lịch đã có của thành phố là tổ chức các hoạt động khơi gợi nét văn hoá đặc trưng của mỗi địa điểm, mỗi di tích. Tại Yên Tử, mới đây thành phố đã tổ chức chương trình Làng Việt - Tết xưa. Trong khuôn khổ chương trình này tái hiện không khí Tết truyền thống của người Việt với việc gói các loại bánh, nấu các món ăn dân tộc, làm các đồ chơi truyền thống, tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao dân gian... Kết thúc chương trình là khung cảnh cùng nhau ăn cỗ Tết làng, diễn ra tại đình Làng Nương.

Theo ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng VH-TT thành phố, Làng Việt - Tết xưa năm nay sẽ là demo cho các năm sau triển khai bài bản và thu hút hơn. Mục tiêu hướng tới của chương trình là đối tượng khách nước ngoài, để họ biết đến một cái Tết truyền thống của người Việt đặc sắc.

Ý tưởng về việc bắt kịp và triển khai xu hướng Cosplay trong các điểm di sản trên địa bàn đã được thành phố đề cập. Đây là xu hướng du khách diện các trang phục hoặc bắt chước điệu bộ, thần thái của những nhân vật thần tượng để chụp ảnh. Theo thuyết minh của Phòng VH-TT thành phố, hạng mục này trước tiên có thể triển khai tại Yên Tử, nơi có không gian, kiến trúc phù hợp. Tại đây có thể hình thành khu vực bày bán hoặc may mặc trang phục cổ xưa, phân khu trang phục theo đặc trưng văn hoá, cho phép du khách cùng trải nghiệm việc may mặc hoặc có thể mua, thuê trang phục nếu muốn.

Chương trình Làng Việt - Tết xưa hay xu hướng Cosplay có thể được triển khai tại nhiều điểm di tích, thắng cảnh trên địa bàn. Trong đó các đỉnh Bình Hương, Phượng Hoàng là vị trí có thể trình diễn và check-in rất lý tưởng với những bộ trang phục từ truyền thống đến hiện đại, tạo nên nét rất mới, rất hấp dẫn cho du lịch Uông Bí. 

Việt Hoa

Báo Quảng Ninh - baoquangninh.vn - Đăng ngày 21/02/2024