Tuyên bố Hà Nội: “Cảnh quan đô thị lịch sử”
Cập nhật: 13/04/2010
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội tổ chức công bố Tuyên bố Hà Nội: “Cảnh quan đô thị lịch sử” với nhiều nội dung quan trọng nhấn mạnh tới vai trò, trách nhiệm của các thành viên, các quốc gia tham gia diễn đàn UNESCO- Trường Đại học và Di sản nhằm nâng cao nhận thức của các nhà nghiên cứu và công chúng, đặc biệt về vấn đề giải pháp bảo vệ di sản.

Diễn đàn UNESCO- Trường Đại học và Di sản lần thứ 12 với chủ đề “Cảnh quan đô thị lịch sử” do Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO và thành phố. Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Valencia, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tổ chức với sự tham gia của 380 đại biểu đến từ 26 quốc gia.

Kết thúc Diễn đàn đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội về cảnh quan đô thị lịch sử”. Nội dung Tuyên bố tập trung vào vai trò, trách nhiệm của các thành viên, các quốc gia tham gia diễn đàn UNESCO- Trường Đại học và Di sản nhằm nâng cao nhận thức của các nhà nghiên cứu và công chúng về nhiều vấn đề như: Tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản đô thị trong thời kỳ thay đổi và phát triển đô thị nhanh chóng như ở TP. Hà Nội; Nhu cầu phát triển bền vững các thành phố hiện đại kết hợp với việc quan tâm đến các giá trị di sản và văn hóa; Tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường song hành với chính sách bảo tồn di sản; Nhu cầu kết nối những người hành nghề trong lĩnh vực di sản và giới hàn lâm với chính quyền thành phố; Vai trò của cộng đồng và những người dân địa phương trong việc xác định, bảo tồn và phát triển giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội- thành phố có bề dày văn hóa ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long...

Tuyên bố này đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của các di sản văn hóa của Hà Nội và nêu rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội đã làm rất nhiều để bảo vệ và nâng cấp các di sản văn hóa của Hà Nội như: Văn Miếu, Chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long, Khu phố cổ và phố cũ, qua đó minh chứng sự ưu tiên cho việc phát triển bền vững các đô thị hiện đại thông qua việc quan tâm đến các giá trị truyền thống của chúng.

Đồng thời, Tuyên bố cũng nêu 18 khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, TP. Hà Nội cần khuyến khích việc dịch và xuất bản bằng tiếng Việt các tham luận chính phản ánh quan niệm hiện tại về Di sản văn hóa như một chính thể và sự hòa nhập; Các trường Đại học của VN cần được cung cấp các phương tiện nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề di sản nói chung và Công ước Di sản Thế giới nói riêng.

Đặc biệt, cần thành lập một trung tâm đào tạo về di sản tại Hà Nội để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn và quản lý các địa điểm văn hóa trong và xung quanh Thủ đô (bao gồm cả Thành cổ Hà Nội). Trung tâm đào tạo này cũng huấn luyện các hướng dẫn viên về các vấn đề, nguyên tắc và thực tiễn di sản. Đồng thời, Tuyên bố nhấn mạnh, đào tạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về di sản cần được coi là vấn đề quan trọng...
Thể thao văn hóa