Khách du lịch đến tỉnh An Giang tăng đột biến
Cập nhật: 25/04/2010
Sau Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch đến tỉnh An Giang ngày càng tăng, cao nhất vào tháng ba có trên 1,2 triệu lượt khách; trong đó khách lưu trú, lữ hành tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước và khách quốc tế tăng 24,5%, đạt tổng doanh thu trên 70 tỷ đồng.

                         Miếu Bà Chúa Xứ

Như vậy, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh An Giang đã tăng đột biến với 2,728 triệu lượt người.

Khách du lịch đến An Giang tăng đột biến do lượng người hành hương về Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam nhiều nhờ tỉnh khai hội từ sau Tết Canh Dần, sớm hơn ba tháng so với mọi năm.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tập trung phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có như: khu du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp, chùa Hang, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Qua đó phát triển mạnh nhiều mô hình du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp có sự hợp tác của nhân dân tại địa phương.

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng du lịch nội địa, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang chủ động liên kết với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và các tỉnh giáp ranh Takeo, Kandal, Shihanouk Ville, thủ đô Phnom Penh của Campuchia để nối các tour tuyến du lịch.

Đồng thời, ngành du lịch tỉnh còn tổ chức các tour xuôi dòng Mê Kông thông qua hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên ở huyện Tịnh Biên và Vĩnh Xương; ở thị xã Tân Châu của An Giang bằng nhiều tour đường bộ và đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Long Xuyên-Châu Đốc-Phnôm Pênh-Siêm Riệp-Thái Lan; Cần Thơ-An Giang-Kiên Giang-Cà Mau-Đồng Tháp; Long Xuyên-Châu Đốc-Tịnh Biên-Tri Tôn-Thoại Sơn-Long Xuyên-Chợ Mới; làm phong phú các điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với An Giang.

Năm 2010, An Giang có kế họach thu hút 4,5 triệu lượt khách. Trong thời gian tới, tỉnh chủ động tổ chức các lớp tập huấn về lễ tân cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch tại khu dân cư, các cửa khẩu, hợp đồng liên kết với các tỉnh để sản xuất các sản phẩm đặc thù của từng địa phương.

Riêng tỉnh An Giang sẽ phát triển mạnh cơ sở làng nghề mắm thái, đường thốt lốt, sản phẩm cá tra phồng, khô bò, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm, Khmer và ẩm thực miền sông nước, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trong cộng đồng và phong phú các sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan, thu hút du khách và còn giữ gìn nét đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc, về làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực.
VietnamPlus