Nghệ thuật hát then, đàn tính tiếp tục được tôn vinh
Cập nhật: 29/10/2012
(TITC) - Từ ngày 4 – 6/11/2012, tại tỉnh Lạng Sơn sẽ diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 4 năm 2012 nhằm tôn vinh nghệ thuật hát then, đàn tính và các nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng then.
                   (Nguồn ảnh: cinet.gov.vn) 

Với sự tham gia của khoảng 500 nghệ sĩ đến từ 9 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai và Điện Biên, liên hoan lần này sẽ giới thiệu đến du khách nhiều làn điệu then tiêu biểu như: then cổ, then cải biên, ca khúc sáng tác dựa trên thể loại then.  

Đêm khai mạc và bế mạc liên hoan diễn ra tại quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn với nhiều tiết mục múa hát và tấu đàn then đặc sắc. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ liên hoan, nhiều hoạt động hưởng ứng khác cũng được tổ chức như: trưng bày các hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật hát then; triển lãm các loại nhạc cụ dùng cho hát then; đặc điểm của nghệ thuật diễn xướng then tại các vùng miền; hội thảo trao đổi về cách thức bảo tồn và phát huy, phát triển nghệ thuật hát then trong bối cảnh hiện nay... Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật hát then cũng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức.  

Hát then, đàn tính là di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn… và một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Lâm Đồng... Theo quan niệm dân gian, then có nghĩa là Thiên (trời), được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, hát then được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn... Trải qua thời gian, hát then, đàn tính được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.  

Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 tại tỉnh Thái Nguyên, lần thứ 2 năm 2007 tại tỉnh Cao Bằng và lần thứ 3 năm 2009 tại tỉnh Bắc Kạn. Liên hoan góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc các vùng có nghệ thuật hát then, đàn tính; đồng thời từng bước chuẩn bị tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát then – đàn tính là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phạm Phương