Tuyên Quang phát triển và quản lý các hoạt động lễ hội, văn hóa tâm linh
Cập nhật: 01/02/2013
Thành phố Tuyên Quang là địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với hệ thống đền, chùa nổi tiếng như đền Hạ, đền Thượng, đền Cảnh Xanh, đền Mẫu Ỷ La, chùa An Vinh, chùa Hang...

Đến nay, trong tổng số 59 di tích lịch sử, văn hóa, có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi di tích văn hóa đều gắn liền với đời sống tinh thần của người dân thông qua các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng và các lễ hội. Chính vì vậy, những năm gần đây, thành phố đã chú trọng khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống trên địa bàn, coi đây là một kho tàng tài sản quý giá giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng nên không gian văn hóa trang trọng, linh thiêng, tưng bừng náo nức, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Hàng năm, thành phố đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan vãn cảnh, dâng hương tại các đền, chùa. Ông Trương Đức Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa thành phố cho biết, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã khôi phục các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Hạ, Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội chùa Hương Nghiêm. Các lễ hội này được tổ chức vào dịp đầu xuân, đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tâm linh của cộng đồng sống trên địa bàn. Đặc biệt, những năm gần đây, Đêm hội Thành Tuyên vào dịp Tết Trung thu hàng năm là một lễ hội đương đại được tổ chức quy mô lớn, đã trở thành bản sắc riêng có, độc đáo của thành phố Tuyên Quang và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng tham gia. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch đối với các di tích đền Hạ, đền Kiếp Bạc (phường Tân Quang); đền Mẫu (phường Ỷ La), đền Cảnh Xanh (phường Minh Xuân); chùa Hang (xã An Khang); hoàn thành trùng tu, tôn tạo đền Sơn Lâm (phường Nông Tiến); đền Cấm (xã Tràng Đà)...

Cùng với chú trọng khôi phục phát triển các lễ hội, công tác quản lý các hoạt động văn hóa tâm linh trên địa bàn được tăng cường. Từ năm 2010, thành phố đã ban hành quy định đối với hoạt động của ban quản lý đền, chùa trên địa bàn thành phố. Hàng năm đều xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm quản lý, duy trì và phát triển các hoạt động lễ hội; kiện toàn các ban quản lý đền, chùa. Các ban quản lý đền, chùa đã làm tốt công việc hướng dẫn du khách chu đáo, tận tình từ nơi mua đồ lễ, xếp lễ, nơi gửi xe; công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hoá được chú trọng…

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích và lễ hội, để lễ hội thực sự trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, từng bước thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách gần xa, thành phố Tuyên Quang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với thế hệ trẻ về vai trò, ý nghĩa của lễ hội truyền thống và văn hóa tâm linh trong đời sống xã hội. Viêc thực hiện xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các đền chùa cũng được chú trọng bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố. Công tác quản lý đối với các lễ hội được tăng cường bằng việc thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là vào dịp lễ tết đầu năm đối với các ban quản lý đền, chùa nhằm chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện vi phạm. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về văn minh đô thị, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.        

Báo Tuyên Quang