Văn hóa – “chìa khóa” để phát triển du lịch theo hướng bền vững
Cập nhật: 15/03/2013
(TITC) - Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, hàng năm, trên thế giới có khoảng 800 triệu người đi du lịch, trong đó hơn 60% đi với mục đích tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc. Điều này cho thấy, du lịch văn hóa đang trở thành loại hình du lịch tiêu biểu và được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác.

Du lịch văn hóa mang lại nguồn lợi cho cộng đồng

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch chủ yếu khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc để tạo sức hút đối với khách du lịch, trong đó, văn hóa vật thể là những công trình kiến trúc, nghệ thuật như: lăng tẩm, đình, chùa, đền, miếu, tháp, phù điêu..., còn văn hóa phi vật thể là những sản phẩm tinh thần như: ngôn ngữ, nghi lễ, lễ hội, ca múa, nhạc, sân khấu, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ẩm thực, phong tục, tập quán, võ thuật cổ truyền...

Du lịch văn hóa được xem là sản phẩm du lịch đặc thù đem lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đối với những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng để phát triển du lịch chủ yếu dựa vào việc khai thác sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động này không những tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn du khách mà còn giúp bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa, góp phần mang lại một nguồn lợi kinh tế nhất định cho cộng đồng dân cư bản địa.

Du lịch văn hóa ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia phương Đông có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như: các công trình kiến trúc nghệ thuật (đền, chùa, đình, miếu, tháp…); những di tích khảo cổ học; ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực, trang phục, phong cách ứng xử, giao tiếp,… Trong đó, 12 di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế), Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan ở Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội); Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (Thừa Thiên-Huế), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù. Ngoài ra, Việt Nam còn có 3 di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận, gồm: 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), mộc bản triều Nguyễn (tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Lâm Đồng) và mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Tất cả đã trở thành nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Theo kết quả điều tra trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2010 được thực hiện bởi Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), trong số 804 khách quốc tế đến Việt Nam (từ thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Úc, ASEAN), thì số lớn chọn Việt Nam là điểm đến bởi sự hấp dẫn du lịch. Một trong các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam là văn hóa. Cụ thể, các loại hình văn hóa như: ẩm thực, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, di tích lịch sử văn hóa, sự kiện văn hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được du khách quốc tế rất quan tâm với tỷ lệ bình chọn tương ứng là 83,6%, 78,2%; 66,7%; 62,4% và 62,3%. Như vậy, những nét đẹp văn hóa truyền thống là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách nước ngoài.

Để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn cũng như quảng bá đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức nhiều lễ hội gắn liền với đặc điểm địa hình và văn hóa bản địa. Trong số đó phải kể đến Festival Huế (Thừa Thiên Huế), Festival Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Festival Thuyền buồm Mũi Né (Bình Thuận), Festival Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Đà Nẵng), Festival Diều quốc tế Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Festival Du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), Festival Biển Nha Trang (Khánh Hòa), Festival Trà quốc tế Thái Nguyên (Thái Nguyên), Festival Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Bên cạnh đó, loại hình du lịch cộng đồng cũng được ngành du lịch các địa phương quan tâm đầu tư khai thác nhằm giúp du khách không những được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn có dịp trải nghiệm đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa cũng như góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Khu vực có loại hình du lịch cộng đồng phát triển và được nhiều du khách quốc tế biết đến là các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình), các tỉnh khu vực miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hòa) và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang)…

Theo số liệu thống kê, năm 2012, với thành công trong việc tổ chức một chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, du lịch Việt Nam đã đón hơn 6,84 triệu lượt khách quốc tế (tăng 13,86% so với năm 2011), hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra (6,5 triệu lượt khách quốc tế); phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 8,3% so với năm 2011), hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra (32 triệu lượt khách nội địa); tổng thu du lịch đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng.

Năm 2013, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa; tổng thu  từ khách du lịch đạt 190 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2013, du lịch Việt Nam đã tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước; tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên…; đặc biệt quan tâm đến chủ trương của Nhà nước trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, là cơ sở để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Thanh Hải